Điều gì đang kìm hãm sự phát triển của TP Thủ Đức?
Kể từ khi thành lập đến nay, TP Thủ Đức có quy mô dân số, kết quả thu ngân sách bằng một tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cơ chế, thẩm quyền ngang cấp huyện là rào cản cho sự phát triển của địa phương này.
Sáng 23/6, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, dẫn đầu đoàn công tác dự buổi làm việc với TP Thủ Đức (TPHCM) nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của mô hình thành phố trong lòng thành phố đầu tiên của cả nước.
Sau hơn một năm rưỡi hình thành và phát triển, TP Thủ Đức đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội. Đáng chú ý, trong năm 2021, TP Thủ Đức thu ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu và lớn hơn nhiều so với một số tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo chính quyền thành phố trực thuộc TPHCM chia sẻ, với việc cơ chế, thẩm quyền chỉ ngang cấp huyện, TP Thủ Đức đang gặp những rào cản nhất định trong hơn một năm hình thành và phát triển. Đây là điều cần thay đổi để tận dụng hết dư địa, tạo đà phát triển trong tương lai.
Cơ chế là điểm nghẽn lớn nhất
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, nhận định, vướng mắc lớn nhất kể từ khi thành lập của thành phố trực thuộc TPHCM là cơ chế, nhiệm vụ, quyền hạn. TP Thủ Đức là mô hình đầu tiên trên cả nước, do đó, bài toán được đặt ra là làm cách nào để phát huy tiềm năng, lợi thế.
“Đến nay, TP Thủ Đức chỉ có 2 điểm mới so với các địa phương cấp huyện khác là có tổ chức Hội đồng Nhân dân, có thêm phòng Khoa học Công nghệ. Ngoài ra chưa có gì khác”, ông Nguyễn Văn Hiếu phân tích.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (Ảnh: Q.H.). |
Do vậy, trong quá trình hoạt động, hầu hết công việc phát sinh đều phải trình lên cấp chính quyền TPHCM. Điều này khó giải quyết được yêu cầu phục vụ người dân tốt nhất, nhanh nhất.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, TP Thủ Đức cần được phân cấp, ủy quyền nhiều phần việc hơn. Điều này vừa giúp Thủ Đức chủ động hơn trong xử lý công việc, vừa giảm áp lực cho chính quyền TPHCM.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, chia sẻ, sau khi sáp nhập 3 quận (quận 2, 9, Thủ Đức), thành phố mới có diện tích cơ học lớn, số lượng dân cư lên tới hơn 1 triệu người. Trên thực tế, khối lượng công việc cần giải quyết không giảm mà có phần tăng lên trong bối cảnh 30% công chức, viên chức của 3 quận cũ bị cắt giảm.
Do đó, chính quyền TP Thủ Đức gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh vừa phải giải quyết các phần việc tồn đọng của 3 quận trước đây, vừa phải xử lý những vấn đề phát sinh, thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho rằng, việc tinh giản bộ máy rất khó để đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh hiện tại.
Đối với cấp phường, ông Hoàng Tùng lấy ví dụ, một số nơi có hơn 100.000 dân, bằng quy mô cả một tỉnh. Tuy nhiên, số lượng biên chế được giao vẫn ngang bằng các phường khác.
“TP Thủ Đức mạnh dạn kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu việc ký hợp đồng đối với một số vị trí để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt là trong lĩnh vực địa chính, thị trường”, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị.
Không nóng vội với một mô hình mới
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đánh giá, sau những kết quả khả quan đạt được trong khoảng thời gian đầu hình thành và phát triển, TP Thủ Đức đủ điều kiện, tiềm năng và dư địa để trở thành động lực đột phá mới của TPHCM, thúc đẩy sự phát triển cả khu vực phía Nam. Điều này đã được chứng minh bằng những chỉ số ấn tượng về kinh tế.
Đối với những kiến nghị của TP Thủ Đức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cơ bản đồng tình, ủng hộ trên nguyên tắc tổ chức bộ máy hợp lý, tinh gọn, đáp ứng nhu cầu vận hành. Quan điểm của bà Phạm Thị Thanh Trà đưa ra là “đừng nghĩ nhiều mới là tốt, mà phải ít nhưng mà tinh”.
Bà Phạm Thị Thạnh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại buổi làm việc (Ảnh: Q.H.). |
Mặt khác, TP Thủ Đức cần tạo ra nét riêng, khác biệt của một chính quyền đô thị, nằm ngoài các quy định hiện hành. Ví dụ, các cơ quan chuyên môn riêng biệt, phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa có trong tiền lệ cần được nghiên cứu, bổ sung.
“Các đơn vị có thể hướng tới cơ chế linh hoạt, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, vừa làm dịch vụ để nâng cao thu nhập người lao động”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu phương hướng.
Đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, các địa phương vẫn cần sự liên thông, liên kết, không thể tách bạch. Bà Phạm Thị Thanh Trà liệt kê, một số lĩnh vực hợp lý và cần thiết cần đẩy mạnh sự phân cấp như thu chi ngân sách, tài chính, thông qua chủ trương đầu tư từng dự án tùy quy mô.
TP Thủ Đức phải giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng của 3 quận cũ sau khi sáp nhập (Ảnh: Hải Long). |
Về vấn đề biên chế, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng đây là nội dung khó phân cấp triệt để do thuộc trách nhiệm của Trung ương quản lý. Định hướng của Bộ Nội vụ là nghiên cứu, đề xuất Chính phủ giao khung biên chế chung cho TPHCM. Từ cơ sở đó, TPHCM sẽ quyết định tổ chức bộ máy từng địa phương theo điều kiện cụ thể.
Cuối cùng, bà Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trước đây không thể đủ hết cho TP Thủ Đức, việc nêu các đề xuất quá cụ thể sẽ khó thuyết phục Quốc hội thông qua. Thay vào đó, TPHCM cần đưa ra những quy định, nguyên tắc, khung chung trong vấn đề phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức thì mới tạo được hiệu quả lâu dài.
“Khi mới bắt đầu thành lập, không gì có thể hoàn thiện ngay mà phải cần thời gian 1 năm, 2 năm, 5 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Tuy nhiên, TP Thủ Đức cần kiên định, thay đổi nhận thức cho mục tiêu lớn nhất khi hình thành thành phố trực thuộc TPHCM”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ góp ý.
Nguồn: Báo xây dựng