Điều chỉnh tiền lương: “Người lao động chờ lâu lắm rồi”!

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra thông điệp được sự chia sẻ rộng rãi và đồng tình cao. Đó là hiện nay đã đến thời điểm chín muồi để điều chỉnh tiền lương, “người lao động chờ đợi điều này lâu rồi, cần lắm rồi”.

Theo lãnh đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, lương khởi điểm của kỹ sư mới ra trường chỉ là 3,5 triệu đồng, viên chức là 2,2 triệu nhưng mức lương tối thiểu vùng đã điều chỉnh lên 4,2 triệu đồng.

“Vừa qua chúng tôi khảo sát bình quân một người dân TPHCM sống được là khoảng 6,5 triệu. Thế thì kỹ sư ra trường lương 3,5 triệu thì sống thế nào, đó là còn chưa tính còn có gia đình, con cái ?. Mức lương của cán bộ, công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu. Rõ ràng chúng ta phải điều chỉnh, bởi thực sự cần thiết rồi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Việc điều chỉnh tiền lương càng trở nên cấp thiết hơn, nếu đặt trong bối cảnh hơn hai năm qua, số cán bộ, công chức, viên chức thôi việc trên cả nước đã lên tới gần 40.000 người. Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không nói đến vấn đề lương, thu nhập hàng tháng.

Đa số những công chức, viên chức xin nghỉ việc thời gian qua là giáo viên, nhân viên y tế. Những người công tác trong ngành y vốn được quan niệm “lương y như từ mẫu”, lâu nay nhiều người đã chỉnh lại câu ấy với vẻ tự trào: “Lương y như tháng trước”. Không chỉ như tháng trước mà như năm trước, thậm chí câu chuyện tiền lương không đủ sống còn là vấn đề dai dẳng từ hàng chục năm nay.

Thời bao cấp, nhạc sĩ Đặng Tuấn Nhuệ công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam nhưng làm việc mãi mà không được tăng lương nên ông lấy luôn nghệ danh là “Lương Nguyên”. Câu chuyện ấy tôi được nghe nhạc sĩ Lương Nguyên chia sẻ trong một chương trình giao lưu với khán giả từ mấy năm trước, nhưng đến nay vẫn nhớ rõ với cảm giác “Rằng hay thì thật là hay, Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

“Lương nguyên” trở thành tình trạng chung của cán bộ, công chức, viên chức không chỉ trong thời bao cấp. Những năm gần đây, hệ thống tiền lương mặc dù đã có nhiều thay đổi song vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong nhiều năm liên tục là gần 7% mỗi năm, nhưng tốc độ tăng lương không tương xứng và đặc biệt lương đã bị lạm phát “bỏ lại phía sau”.

Cách đây hơn 10 năm, lương cơ sở của một cử nhân mới ra trường được xếp loại công chức, viên chức hệ số 2.34 là gần 1,5 triệu đồng/tháng . Đến thời điểm này, công chức ấy cũng chỉ nhận được mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng vật giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, thực phẩm hay nhà ở liên tục leo thang, khiến đời sống của người hưởng lương đơn thuần trở nên vô cùng chật vật, khó khăn. Bởi vậy “không ai sống được bằng lương” là câu nói đã trở nên quen thuộc.

Vào tháng 5/2018, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, nhưng lộ trình cải cách đến nay vẫn “lỡ hẹn” vì nhiều lý do, trong đó năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phải lùi lại.

Việc cải cách tiền lương bao gồm nhiều nội dung, nhiệm vụ và giải pháp tổng thể chứ không phải chỉ là điều chỉnh tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nếu cải cách theo Nghị quyết 27 thì cần khoảng 248.000 tỷ đồng. Do vậy, điều chỉnh mức lương cơ sở là “giải pháp chấp nhận được trong giai đoạn hiện nay”.

Như vậy, trước mắt mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh vì “thực sự cần thiết rồi”. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh tiền lương cho khu vực doanh nghiệp và quan tâm vấn đề phụ cấp cho nhân viên y tế, giáo dục…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ cần quan tâm hơn đến giáo viên mầm non, giáo viên bậc THCS, THPT. “Đây là vấn đề nhức nhối lắm, ngoài thiếu giáo viên thì đời sống của họ khó khăn lắm. Cái này phải làm sớm, nhanh hơn. Nếu cứ thế này giáo viên mầm non nghỉ hết”, Bộ trưởng lo ngại.

Lần này, Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức điều chỉnh khoảng 20,8%. Còn về lâu dài, vấn đề cải cách tiền lương thì sao?

Theo dự báo của lãnh đạo ngành Nội vụ, nếu kinh tế – xã hội năm 2023 phát triển tốt, năm 2024 không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như giai đoạn 2020 – 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương.

Rõ ràng, việc cải cách tiền lương phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe nền kinh tế”, nhưng để chuẩn bị tốt cho cuộc cải cách sắp tới thiết nghĩ nhiều phần việc cần được tiến hành mạnh mẽ hơn, nếu không những vấn đề đó sẽ cản trở hiệu quả của chính sách cải cách.

Trước hết các cơ quan cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của khu vực công. Việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu thất bại trong bài toán tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy thì quá trình cải cách tiền lương sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Một nhiệm vụ quan trọng khác lúc này là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm trong khu vực công.

Đây là cơ sở để chúng ta có các tiêu chí rõ ràng, minh bạch làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Một vấn đề cũng được đặt ra là làm sao để tiền lương và tổng thu nhập phải tiến lại là một. Chia sẻ với tôi khi còn là Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, ông Phạm Minh Huân cho rằng cải cách tiền lương động chạm tới rất nhiều vấn đề. Trong đó có vấn đề là hiện các mức lương với tổng thu nhập chênh lệch nhau, có rất nhiều khoản thu nhập khác thậm chí còn lớn hơn tiền lương.

Việc đưa lương và thu nhập gần lại với nhau sẽ tạo ra đồng lương ổn định ở mức cao, qua đó người lao động sống được bằng lương và thêm động lực để làm việc, cống hiến.

Với các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai đồng bộ và với niềm tin rằng tình hình kinh tế sẽ chuyển biến tích cực hơn, cuộc “hẹn hò” cải cách tiền lương sẽ sớm đến với người lao động.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích