Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu là cần thiết
Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu là cần thiết
Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu, ở thời điểm hiện nay, theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc là cần thiết bởi đó có thể sẽ
Trong những ngày qua, diễn biến phức tạp của giá xăng dầu trong nước và quốc tế làm dấy lên quan ngại lạm phát có thể gia tăng, khiến nhiều chuyên gia kinh tế, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm, lo lắng.
Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, phóng viên TTXVN đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan tới vấn đề này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát
Trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua những khó khăn liên tiếp do tác động của dịch bệnh COVID-19, mọi động thái chính sách cần sự cân nhắc và cẩn trọng. Thời gian gần đây, biến động của giá xăng dầu thế giới do ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị giữa một số quốc gia láng giềng đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế trong nước; đặc biệt là tới hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp.
Cũng có nhiều phản ánh diễn biến giá xăng dầu đang gây bất lợi vì đây là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu kéo theo giá cả của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác cũng ở mức cao, khó giảm thấp, gây trở ngại lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Những băn khoăn lo lắng của người dân, của doanh nghiệp về việc điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu là có cơ sở. Gần đây nhất, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm thuộc mặt hàng này.
Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan trong điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai. Cùng với đó, làm rõ các tồn tại trong chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Trước áp lực lạm phát gia tăng vô cùng lớn, đó đang là mối lo lắng lớn nhất hiện nay. Mục tiêu hàng đầu trong năm tới phải là kiềm chế lạm phát. Đấy là việc quan trọng nhất. Bất cứ điều gì làm cho lạm phát gia tăng sẽ đều không ổn. Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, ở thời điểm hiện nay, theo tôi là cần thiết bởi đó có thể sẽ là yếu tố giảm đà lạm phát gia tăng.
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Điều hành giá xăng dầu khá linh hoạt
Trước diễn biến vừa qua của giá xăng dầu thế giới, cũng cần ghi nhận phản ứng và quyết định điều chỉnh giá khá kịp thời từ phía các cơ quan chức năng để đảm bảo giá xăng không chạy theo mức tăng leo thang của giá thế giới. Tôi cho rằng việc điều hành giá xăng dầu như vậy là khá linh hoạt.
Đề xuất mới đây của Chính phủ cũng đã nêu rõ quan ngại, trong thời gian tới, giá xăng dầu có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa; thậm chí còn tính tới phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… Điều đó chứng tỏ, qua biện pháp này, chúng ta có thể chấp nhận giảm thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh xăng dầu để đạt được cái lợi trước nhất là bình ổn giá xăng dầu và bình ổn giá đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy sẽ có thể giúp bình ổn lạm phát, bình ổn các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng xét về nguồn cung trong nước, hiện nay, theo phản ánh của các cấp, ngành và địa phương, các doanh nghiệp trong nước đang khá chủ động nguồn cung các loại nguyên, vật liệu đầu vào. Do đó cũng không quá căng thẳng về vấn đề chi phí.
Gần đây, có sự việc một số cây xăng đóng cửa, mặc dù không liên quan tới chuyện điều hành giá xăng dầu để chống lạm phát, song lại cũng phản ánh một thực trạng, giá xăng dầu nếu tăng lên buộc lòng phải cắt giảm chi phí; trong đó có cả việc tiết giảm chi phí chiết khấu cho các nhà phân phối.
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, việc tiết giảm chi phí của các nhà cung cấp cũng có thể xem là biện pháp cần thiết để ghìm giá xăng trong nước. Tuy nhiên, điều này chỉ nên diễn ra ở một thời điểm khi cơ quan quản lý chưa thể kịp thời ban hành những chính sách thích ứng phù hợp. Ngoài ra, còn có thể kéo theo nguy cơ, hoặc tác dụng ngược lại gây nên tình trạng rối loạn thị trường./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị