Điều chỉnh quy hoạch là công cụ để vẫy vùng biến của chung thành của riêng
Trung tâm Hà Nội chịu nhiều áp lực về quá tải hạ tầng, ùn tắc, ngập nước… Chủ trương di dời một số cơ sở ra khỏi nội đô luôn coi là trọng điểm. Sau di dời, đất dùng làm gì cũng cần được tính toán…
Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết, việc tổ chức triển khai đề án di dời cho đến nay vẫn còn chậm, nếu không muốn nói là rất chậm.
Vì sao chậm di dời?
Rõ ràng việc di dời các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành rất cần thiết nhưng triển khai chậm trễ, theo ông nguyên nhân từ đâu?
– Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Đến nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 167/2017, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2021 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trong đó có việc di dời các cơ sở nhà đất, đơn vị sự nghiệp công khỏi khu vực đô thị lớn, thực hiện sắp xếp lại việc sử dụng đất cho phù hợp hơn.
Sau gần chục năm, đến hiện nay, hiệu quả chưa được bao nhiêu, còn chậm. Tôi cho rằng, vấn đề lợi ích là nguyên nhân chủ yếu khiến việc thực hiện di dời còn chậm.
Sau khi di dời, trụ sở cũ đó để làm gì? Nhiều đơn vị muốn phát triển dự án nhà ở tại đó. Nhiều đơn vị đáng lẽ phải di dời từ lâu rồi nhưng cứ nấn ná với bài toán lợi ích cho mình. Việc chia sẻ lợi ích cũng không hề dễ dàng gì khi những vị trí này đều là đất “vàng”, thậm chí đất “kim cương”…
Rồi nhiều bộ, ngành, cơ quan sự nghiệp công di dời rồi, có địa điểm mới rồi nhưng vẫn giữ lại trụ sở cũ với lý do biên chế “phình” ra. Thử hỏi mấy nơi đã trao lại trụ sở cũ? Có những nơi còn giữ lại cho thuê nhưng có thể lại đưa ra lý do giữ lại cho đơn vị của mình vẫn thiếu chỗ hoạt động. Ngay nhiều trường đại học, cũng thuộc diện di dời nhưng đã đi đâu…
GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra nhiều bất cập trong việc thực hiện di dời một số trụ sở, cơ sở, nhà máy thời gian qua (Ảnh: Hữu Nghị). |
Vậy theo ông, cần giải bài toán này như thế nào?
– Việc sắp xếp lại sử dụng đất công sản như thế nào thì có các Nghị định 167, Nghị định 67 của Chính phủ quy định cho từng trường hợp cụ thể, khá đầy đủ.
Trường hợp nào buộc phải trao lại cho chính quyền địa phương, trường hợp nào có thể chuyển nhượng để có kinh phí thực hiện di dời, thực hiện xây dựng cơ sở tại địa điểm mới… Các Nghị định này cũng quy định chi tiết về xử lý đất đai do doanh nghiệp Nhà nước sử dụng, đã qua cổ phần hóa hoặc chưa qua cổ phần hóa. Các trường hợp đều có đầy đủ và chi tiết.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là cách nào để chia sẻ lợi ích hợp lý thì chưa rõ. Khi lợi ích chưa rõ thì chắc chắn những người thực hiện sẽ không muốn thực hiện cho đầy đủ, thay vào đó họ có thể vẫn muốn níu kéo lợi ích cho mình. Việc dàn xếp lợi ích khi thực hiện chính sách di dời là vấn đề lớn mà tôi cho rằng đó là nguyên nhân cản trở việc thực hiện chủ trương đúng đắn, cần thiết này.
Ngoài ra, báo cáo cũng có thấy một số nguyên nhân khác được đề cập tới như việc đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương tại vị trí mới chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến khó khăn cho các cơ sở khi di dời đến nơi mới; chưa thực sự khuyến khích được các cơ sở trong việc thực hiện di dời; chưa có chế tài xử lý “mạnh tay” đối với việc chậm thực hiện di dời…
Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân được đề cập tới như có sự sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách, pháp luật liên quan, ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời; quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện trong khi công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn; sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao…
Vấn đề phức tạp vì điều chỉnh quy hoạch ở Việt Nam quá dễ dàng
Không ít ý kiến cho rằng còn chưa rõ ràng về cơ chế xử lý đối với phần đất trụ sở cũ do cơ quan sử dụng trước đó, theo ông nên xử lý như thế nào để phù hợp?
– Rõ ràng, giờ ai phải di dời cũng đều dựa vào quy hoạch. Vị trí đất cũ sẽ làm gì là do quy hoạch đô thị đã được phê duyệt quyết định. Thửa đất cũ nằm ở khu dân cư thì cho phép thực hiện dự án nhà ở, thửa đất cũ nằm vào nơi xây dựng hạ tầng xã hội, kỹ thuật hay môi trường thì thực hiện các dự án phát triển hạ tầng.
Nói như vậy cũng mang tính lý thuyết là chính. Vấn đề trở nên phức tạp vì điều chỉnh quy hoạch ở Việt Nam khá dễ dàng. Có khi theo quy hoạch được duyệt thì vị trí đó sẽ là hạ tầng xã hội. Sự níu kéo lợi ích của tổ chức sử dụng đất cũ sẽ cố “chạy” để quy hoạch được điều chỉnh thành khu dân cư. Nhìn lại Hà Nội, thành phố vẫn cứ “cơi nới” các khu dân cư khá dễ dãi, thế là các hạng mục hạ tầng đều bị “co rút” lại.
Vấn đề lợi ích không chỉ làm khó việc thực hiện sắp xếp lại sử dụng đất công sản mà đang làm khó cho phát triển đô thị theo hướng hiện đại ở nước ta.
Việc chậm di dời là nguyên nhân góp phần khiến đô thị Hà Nội ngày càng méo mó vì ùn tắc, quá tải, ngập lụt, thưa ông?
– Đúng vậy! Tất nhiên, việc phát triển đô thị Hà Nội không tốt, bị méo mó, ùn tắc, quá tải, ngập lụt… là do quy hoạch hoặc chưa chuẩn hoặc bị điều chỉnh sai làm lệch chuẩn.
Khi suy luận theo chiều sâu, có thể thấy việc chậm thực hiện di dời các cơ sở phải di dời theo quy hoạch cũng làm cho quy hoạch được phê duyệt nhưng không thực hiện, cũng là cho các quy hoạch khác không thể thực hiện hoặc cố thực hiện thì phải bớt xén các hạng mục cần thiết.
Nói chung, việc phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hài hòa, toàn diện phải dựa vào quy hoạch đúng tiêu chuẩn. Bất kỳ công đoạn nào của quy hoạch không thực hiện hoặc chậm thực hiện cũng gây ra tình trạng đứt đoạn trong chuỗi phát triển. Việc không hoặc chậm di dời các cơ sở phải di dời theo quy hoạch cũng là tình trạng một mắt xích trong chuỗi phát triển đô thị bị phá vỡ, ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình phát triển đô thị.
Sắp tới, rất cần thiết làm mạnh, quyết liệt chủ trương di dời này, đừng để “tinh thần vui vẻ cả” giữa nhóm người có thẩm quyền và nhóm người ham lợi ích làm cho quyền lợi của nhân dân bị thiệt hại.
Từ góc nhìn thực tế, có thể thấy một vướng mắc khá lớn cần được khơi thông. Chính sách sắp xếp lại việc sử dụng đất đai thuộc công sản do các cơ quan Nhà nước và các tổ chức được Nhà nước cho phép sử dụng đang gặp phải tình trạng người có thẩm quyền quản lý là cấp tỉnh, còn người sử dụng nhà đất công sản lại là các cơ quan trung ương.
Chính vì vậy mà các cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai cấp tỉnh khó thể hiện quyền lực bắt buộc di dời, bắt buộc bàn giao cơ sở cũ đối với các cơ quan quyền lực cấp trên của mình. Tương lai chắc vẫn khó khăn trong thực hiện chủ trương di dời này. Chướng ngại vật này chỉ có thể vượt qua khi những người có thẩm quyền quản lý ý thức được phạm vi thực hiện thẩm quyền.
Phát luật hành chính của ta cũng đã quy định cụ thể về cơ chế cưỡng chế hành chính khi không thực hiện quyết định hành chính. Như trên đã nói, khi người ban hành quyết định hành chính về di dời là cơ quan hành chính cấp dưới (cấp tỉnh), còn người có trách nhiệm thực hiện quyết định hành chính về di dời lại là cơ quan hành chính cấp trên (cấp trung ương) thì cơ quan hành chính cấp dưới cũng quá khó thực hiện cưỡng chế hành chính và cũng khó xử phạt. Sự thực, đây là vấn đề ách tắc lớn mang tính thực tiễn cần vượt qua.
Nguyên tắc phát triển là phải dựa trên bản quy hoạch tạo nên lợi ích công cao nhất
Nhưng thực tế vừa qua, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được nhắc tới khi một tuyến đường mà hàng loạt dự án đội tầng, quá tải, ùn ứ?
– Tôi cho rằng quy định về điều chỉnh quy hoạch trong pháp luật nước ta còn thể hiện tính lỏng lẻo, việc thực hiện quy hoạch lại hay nể nang. Đây là nhược điểm bao trùm trong đô thị hóa ở nước ta.
Về nguyên tắc, phát triển phải dựa trên bản quy hoạch tạo nên lợi ích công cao nhất, lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch thường bị biến dạng do ý định của người có thẩm quyền muốn chuyển lợi ích công thành lợi ích tư. Như vậy, buộc phải hình thành nhóm lợi ích để cùng nhau hưởng lợi ích tư chuyển từ lợi ích công sang do làm méo quy hoạch.
Chúng ta lấy ví dụ như ở Trung Quốc, người ta có thể cũng còn những nhược điểm quản lý nhất định, như họ rất coi trọng công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Ở đó, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch không được quyết định điều chỉnh quy hoạch mà phải là cơ quan cấp trên. Điều chỉnh quy hoạch cũng không dễ dàng gì, phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện, trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cũng cực kỳ phức tạp. Cực chẳng đã, nhà đầu tư dự án mới đề xuất và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới cho phép.
Ở Việt Nam, người phê duyệt quy hoạch được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch làm ra quy trình điều rất đơn giản, nhóm lợi ích cũng dễ hình thành. Điều chỉnh chủ yếu là giảm bớt hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng môi trường và tăng không gian nhà ở, tức là giảm bớt tiền đầu tư không thu lợi và tăng lợi nhuận từ bán nhà ở. Chính vì vậy, nhiều dự án cuối cùng trên thực địa khác xa vời vợi so với bản quy hoạch đầu tiên được phê duyệt, khác xa “một trời một vực”.
Từ thực tế có thể thấy quy hoạch và dự án lần đầu tiên được phê duyệt thường khá đúng với quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, được tính toán dựa trên đầy đủ các yếu tố đã quy định.
Nhưng vì quy trình điều chỉnh quy hoạch khá dễ dàng nên quy hoạch bị thay đổi rất đáng kể, thậm chí có quy hoạch điều chỉnh cho đến khi đạt được tư lợi đủ lớn. Có thể thấy rõ “điều chỉnh quy hoạch” đang đóng vai một công cụ hữu hiệu để “vẫy vùng biến của chung thành của riêng”.
Nói cho đầy đặn thì cũng có trường hợp thực sự cần điều chỉnh quy hoạch đã được duyệt, nhưng tỷ trọng không cao. Nhìn trên thực tế của đô thị Hà Nội thì đa số điều chỉnh làm méo quy hoạch được duyệt vì lợi ích tư nhân của chủ đầu tư dự án.
Câu hỏi được đặt ra là cần điều tra xem người phê duyệt điều chỉnh có nhúng ta vào lợi ích này không để xử lý. Vấn đề lớn nhất cần làm là đổi mới toàn diện khung pháp luật về điều chỉnh quy hoạch.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguồn: Báo xây dựng