Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn 2050

(Xây dựng) – Ngày 12/10, tại trụ sở Bộ Xây dựng, diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì cuộc họp.

dieu chinh quy hoach chung thanh pho hai duong den nam 2040 tam nhin 2050
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại cuộc họp.

Tham dự cuộc họp còn có Thứ trường Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Chủ tịch tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, Bí thư Thành Phố Hải Dương Lê Đình Long, Chủ tịch thành phố Hải Dương Trần Hồ Đăng cùng đại diện các bộ ban ngành liên quan.

Thành phố Hải Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục – đào tạo, dịch vụ của tỉnh Hải Dương; Là đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; Có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh, khu vực, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thành phố Hải Dương có vị trí quan trọng nằm trong hành lang kinh tế: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Đây là lợi thế vô cùng lớn trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên.

Phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Dương được điều chỉnh theo Nghị quyết số 788/NQ- UBTVQH14 ngày 16/10/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện , cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương, bao gồm 19 phường và 06 xã với diện tích tự nhiên là 111,64km2. Ranh giới khu vực quy hoạch được xác định cụ thể: Phía Bắc giáp huyện Nam Sách; Phía Nam giáp huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ; Phía Đông giáp huyện Kinh Thành và huyện Thanh Hà; Phía Tây Giáp huyện Cẩm Giàng.

Trong cuộc họp, thành phố Hải Dương được các nhà chuyên môn của Hội đồng Thẩm định đánh giá cao về công tác quy hoạch đô thị và tầm nhìn kiến trúc, đặc biệt thành phố Hải Dương đã biết kết hợp sông, hồ có sẵn để tạo nên một đô thị với nhiều công viên cây xanh.

Bên cạnh đó Hội đồng Thẩm định cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho đề án như cần làm rõ vai trò vị thế, mối quan hệ vùng của thành phố Hải Dương trong vùng tỉnh Hải Dương, vùng Thủ đô Hà Nội và các liên kết vùng… Đề án cũng cần xác định rõ tầm nhìn có tính đột phá cho một vị thế mới của thành phố Hải Dương trong mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước.

Bên cạnh đó, thành phố Hải Dương cũng cần làm rõ mạng lưới giao thông đối ngoại (đường bộ, đường thủy, đường sắt). Tăng cường phát triển hệ thống giao thông xanh công cộng để kết nối các khu chức năng đô thị và vùng phụ cận.

Đề án cũng cần làm rõ tính văn hóa và biểu tượng kiến trúc của tỉnh Hải Dương. Đồng thời đánh giá hiện trạng, ranh giới, quy hoạch và sử dụng đất theo quy hoạch một cách rõ ràng. Xem xét diện tích trồng lúa và việc phát triển nông thôn cũng như việc phát triển các khu công nghiệp để xác định bảo tồn hay chuyển dịch.

Sau khi nghe báo cáo thẩm định và phản biện về Đề án, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề án đã đáp ứng tốt các mục tiêu nhiệm vụ quy hoạch đề ra, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Dương và khu vực. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp các ý kiến làm rõ hơn kế hoạch khắc phục các chỉ tiêu còn thiếu và yếu để thành phố Hải Dương nghiên cứu hoàn thiện hơn cho Đề án.

Kết luận cuộc họp Hội đồng Thẩm định, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã thống nhất với Hội đồng nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương là cần thiết, cần làm quy hoạch nhanh để khai thác hiệu quả tiềm năng của thành phố Hải Dương.

Thành phố Hải Dương có đặc trưng về văn hóa, lịch sử, có nền tảng để phát triển du lịch. Hệ thống giao thông thuận lợi, có đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường quốc lộ, cửa ngõ hướng biển vì vậy cần phải cụ thể hóa thành phố xanh và thông minh một cách rõ ràng.

Bên cạnh đó thành phố Hải Dương cần đánh giá hiện trạng về hạ tầng, không gian cảnh quan, đất, hạ tầng đô thị, dự báo về dân số, mô hình phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch hạ tầng, giao thông…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu những đặc điểm mà thành phố Hải Dương cần lưu ý việc quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, cần thể hiện rõ hơn nội dung cần điều chỉnh. Cần đảm bảo an ninh quốc phòng, tính kiên kết, vị trí liên kết thành phố Hải Dương với các tỉnh khác. Cần khai thác hiệu quả đặc trưng của văn hóa, lịch sử, hệ thống giao thông, hệ thống sông nước. Phát triển cân bằng văn hóa xã hội, thể hiện sự nổi bật của văn hóa xứ Đông.

Đồng thời thành phố Hải Dương sử dụng nguồn lực đất đai một cách hiệu quả, đánh giá đúng hiện trạng phát triển đô thị, phát triển hạ tầng… Việc làm rõ hơn cấu trúc đô thị và các khu chức năng như khu công nghiệp, nông thôn là cần thiết. Việc phát triển các trung tâm mới, trung tâm y tế, trung tâm thể thao…. cần được nêu cụ thể.

Việc sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất sao cho phù hợp, rà soát các tiêu chí đô thị. Việc thiết kế đô thị cũng cần xác định rõ yêu cầu, nhấn mạnh vào thiết kế đặc thù là sông nước, các cửa ngõ, trung tâm, khu vực hai bên bờ sông mà đặc trưng là kiến trúc Thành Đông.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích