Điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày có khả thi?
Liên quan việc giảm thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 5 ngày, hay điều chỉnh theo ngày, cần phải có sự tính toán cụ thể, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia kinh tế, để xem có khả thi hay không.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương): Điều chỉnh giá theo ngày – khó khả thi
“Các Bộ Công Thương, Tài chính cần ngồi với nhau để tìm ra đâu là nguyên nhân chính, để từ đó xử lý vấn đề căn cơ hơn, thay vì chỉ nói chung chung, hay quy trách nhiệm của bộ này, bộ kia”. |
ĐBQH Nguyễn Quang Huân
Liên quan việc giảm thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 5 ngày, hay điều chỉnh theo ngày, cần phải có sự tính toán cụ thể, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia kinh tế, để xem có khả thi hay không. Đúng là thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng ngắn thì sẽ càng bắt nhịp được với giá thế giới, sát với thị trường quốc tế hơn.
Tuy nhiên, mục tiêu giảm thời gian điều chỉnh giá xăng dầu xuống 5 ngày, hay 1 ngày, tôi cho là rất khó và như vậy là quá tham vọng. Chúng ta không thả nổi theo thị trường, vì mục tiêu là phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu thả nổi, xăng dầu biến động lúc đó sẽ chi phối các mặt hàng khác, vì xăng dầu như là máu của nền kinh tế. Nếu thay đổi đột ngột như thế, chúng ta sẽ không kiềm chế được lạm phát.
Bên cạnh đó, trong điều hành giá, chúng ta có rất nhiều khâu, với nhiều vấn đề, từ các đầu mối nhập khẩu, đến phân phối xuống đại lý. Cần phải có cơ chế vận hành từ các bộ, ban ngành. Chính vì vậy, rất khó để điều chỉnh ngay giá trong nước theo giá quốc tế được.
Đối với tình trạng khan hàng, hay găm hàng cũng phải tính toán cho kỹ, vì đây không phải là chuyện riêng của Bộ Công Thương. Tôi cùng tổ với Bộ trưởng Công Thương, chúng tôi cũng đã trao đi đổi lại nhiều lần. Nếu vấn đề chỉ nằm ở riêng Bộ Công Thương thì Bộ này có thể xử lý được ngay.
Vấn đề ở chỗ công thức tính giá của chúng ta không đáp ứng được kịp thời, không theo kịp được với sự biến động của thị trường. Khi chúng ta siết chặt, nạn xăng dầu buôn lậu trước đây đã không còn. Khi làm sạch được thị trường, lại dẫn đến tình trạng ít nguồn cung, thiếu cục bộ.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Hài hòa lợi ích ba bên
“Bộ Tài chính, Công Thương cần làm rõ tại sao trước đây người dân, doanh nghiệp muốn mở mới cây xăng ồ ạt, nhưng giờ ai cũng muốn đóng cửa cây xăng?”. |
ĐBQH Phạm Văn Hòa
Đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương về vấn đề giá cả, thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng hơn, làm sao để giá xăng dầu ở mức hợp lý, người dân chấp nhận được.
Về việc giảm thời gian điều chỉnh giá xuống 5 ngày, hay 1 ngày, tôi đồng tình với phương án điều chỉnh làm sao giá xăng dầu trong nước theo sát được với giá thế giới. Họ điều chỉnh giá hằng ngày, thậm chí hàng giờ. Trong khi chúng ta điều chỉnh trong 10 ngày, như vậy làm sao đáp ứng với nhu cầu thực tiễn? Cho nên, đề xuất giảm xuống 5 ngày là phù hợp, nếu thấy vẫn lạc hậu, có thể xem xét giảm xuống 1 ngày. Như vậy sẽ phù hợp hơn, thuận tiện hơn với các đại lý nhỏ lẻ cũng như người tiêu dùng. Vì 10 ngày mới điều chỉnh, có khi đại lý còn không dám nhập về, vì lo sợ sẽ thua lỗ.
Liên quan việc chậm phản ứng với chính sách, chậm điều chỉnh định mức nhập khẩu, theo tôi, trong trường hợp này, có lỗi của các bộ. Với doanh nghiệp, họ luôn đặt lợi nhuận lên trên hết, chứ thua lỗ họ không kinh doanh làm gì cả. Cho nên, việc xăng dầu lên xuống, thiếu cục bộ vừa qua có phần ảnh hưởng do khách quan, cũng có phần do chủ quan là Bộ Tài chính, Công Thương trong điều tiết giá chưa kịp thời, đúng lúc, dẫn tới tình trạng khan hiếm cục bộ.
Cần tìm ra nguyên nhân để có điều tiết cho phù hợp, làm sao đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Nguồn: Báo xây dựng