Điều chỉnh chênh lệch tỉ suất lợi nhuận

Điều chỉnh chênh lệch tỉ suất lợi nhuận
Ảnh minh họa.

Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 13/12 sẽ tiến hành xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đất đai nói chung, Luật Đất đai (sửa đổi) nói riêng là một trong những đạo luật có ảnh hưởng rất lớn đến người dân, nên được nhân dân đặc biệt quan tâm.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương (tại Hội nghị Trung ương 5) đồng thời “bịt” lỗ hổng trong nội tại Luật để gây ra rất nhiều vụ khiếu kiện, tham nhũng liên quan đến lĩnh vực đất đai thời gian qua chính là quy định bỏ giá sàn. Tiến hành thực hiện việc đền bù theo cơ chế thị trường đối với việc thu hồi đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế, cụ thể cho các doanh nghiệp triển khai các dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu du lịch, vui chơi, giải trí… (trừ thu hồi đất phục vụ quốc phòng – an ninh và dân sinh).

Bình luận về điểm mới này trong Nghị quyết 18 của Trung ương và cụ thể hóa trong nội tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo một số tỉnh, thành cũng công nhận đây là một quy định đúng đắn và bước đột phá để thực hiện mục tiêu chiến lược, bền vững đó là: Nhà nước – doanh nghiệp – người dân đều có lợi.

Đi sâu vào phân tích, lãnh đạo không ít địa phương thừa nhận, một trong những bất cập trong bản thân Luật Đất đai và các văn bản dưới luật chính là quy định đền bù theo giá sàn (giá được Hội đồng nhân dân áp hàng năm) dẫn đến chênh lệch tỉ suất lợi nhuận quá lớn. Một số vị đưa ra ví dụ, ngoại trừ một số tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, họ “xin” đầu tư ở những địa thế đất rộng, không phải là đất ở nên đề “thỏa thuận” đền bù với người dân với giá tương đối, từ đó hình nên những khu đô thị hiện đại, thì vẫn còn không ít nơi, nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, chính quyền tiến hành thu hồi đất ở của dân với giá sàn quy định của tỉnh/thành phố.

Cụ thể, giá đền bù áp dụng thấp trong khi giá thị trường lại quá cao. Kết quả, người dân lấy tiền đền bù từ mảnh đất cha ông để lại cho doanh nghiệp triển khai dự án nhưng không đủ mua một mảnh đất mới, chỗ ở mới. Trong khi đó, cùng trên một sào đất bị thu hồi, sau khi doanh nghiệp đầu tư, san lô, bán nền, giá một mét vuông lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Chênh lệch tỉ suất lợi nhuận quá lớn, người dân bị thiệt, chủ đầu tư thì lãi lớn (chính vì thế xuất hiện tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần). Điều này, cũng góp phần làm cho thị trường bất động sản không ổn định…

Do đó, để khắc phục những khiếm khuyết của Luật hiện tại, điều quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bàn bạc thật kỹ để bổ sung quy định áp dụng giá đền bù theo giá thị trường nhưng phải đáp ứng được các tiêu chí: Không gây khó dễ cho phát triển kinh tế; người dân thực sự được hưởng lợi, không bị thiệt và nhà đầu tư vẫn có lãi. Tuy nhiên, phải hạn chế tối đa mức chênh lệch tỉ suất lợi nhuận. Đây chính là bài toán giải quyết mối quan hệ hài hòa trong việc 3 bên cùng có lợi: Nhà nước – doanh nghiệp và người dân.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích