Diện mạo mới, sức sống mới của đô thị Bắc Giang

(Xây dựng) – Từ một tỉnh có tốc độ đô thị hóa chậm, không gian phát triển đô thị quy mô nhỏ, những năm trở lại đây, diện mạo đô thị Bắc Giang như được khoác lên mình “tấm áo mới”, cảnh quan, kiến trúc ngày càng được mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Diện mạo mới, sức sống mới của đô thị Bắc Giang
Những không xanh gian thoáng đãng, tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt đô thị của thành phố Bắc Giang.

Chiến lược bứt phá

Là một tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110km và cách Cảng Hải Phòng 140km… Bắc Giang có nhiều điều kiện tự nhiên đặc thù để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tuy vậy, so với nhiều địa phương khác, tốc độ đô thị hóa của tỉnh Bắc Giang diễn ra tương đối chậm, không gian phát triển đô thị chủ yếu quy mô nhỏ lẻ. Chính điều đó đã đặt ra thách thức không nhỏ cho chiến lược phát triển đô thị của tỉnh Bắc Giang trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đứng trước thực tế đó, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra những chiến lược cụ thể nhằm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị, nổi bật trong số đó là việc ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng, phát triển đô thị tỉnh Bắc Giang theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, làm trung tâm dẫn dắt sự phát triển của các tiểu vùng, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội các địa phương và của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh cao hơn mức trung bình toàn quốc; bộ máy chính quyền tại các đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng nâng cao, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, gìn giữ và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng.

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tập trung hoàn thiện về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị…

Với chiến lược bứt phá, cùng sự vào cuộc quyết liệt, từ một địa phương có tốc độ đô thị hóa chậm, bộ mặt đô thị Bắc Giang đã có sự thay đổi rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ dân số đô thị Bắc Giang đạt gần 24%, diện tích đô thị sau sắp xếp, mở rộng và thành lập mới là hơn 337 km2, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2016. Toàn tỉnh hiện có 17 đô thị, gồm 1 đô thị loại II, còn lại là đô thị loại IV và V.

Diện mạo mới, sức sống mới của đô thị Bắc Giang
Dự án Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi đã mang lại sức sống mới cho đô thị Lạng Giang.

Những điểm nhấn đô thị rõ nét

Là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất, nhập khẩu, trung tâm tiếp vận-trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh, thương mại quan trọng của Vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong những năm qua, thành phố Bắc Giang đã có sự đầu tư mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, nhờ đó hình thành không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, đồng bộ, hiện đại.

Trao đổi với phóng viên ông Đặng Đình Hoan – Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho biết: Thời gian qua, thành phố Bắc Giang đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, khu nhà ở mới, coi đây là một trong các trụ cột tăng trưởng kinh tế. Nhiều công trình, dự án lớn trên địa bàn thành phố Bắc Giang đã được xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đô thị, tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị như: Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang; Trụ sở Thành ủy – HĐND – UBND thành phố; Khu đô thị mới Bách Việt Lake Garden; Nhà thi đấu thể thao tỉnh; các chung cư, khách sạn cao tầng…

“Chỉ trong thời gian ngắn, thành phố Bắc Giang đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có danh tiếng và tiềm lực về nghiên cứu, khảo sát, đầu tư khu đô thị có quy mô lớn trên địa bàn như: Tập đoàn VinGroup, Văn Phú, BRG, MIK, APEC… Một số dự án lớn có thương hiệu cũng đã đầu tư vào địa bàn thành phố Bắc Giang như: Toyota, Honda, Huyndai, Mazda, FPT… các dự án này đã đem đến cho diện mạo đô thị thành phố Bắc Giang một luồng sinh khí mới”, ông Hoan cho biết.

Nằm cách thành phố Bắc Giang 10km, huyện Lạng Giang với vị trí chiến lược quan trọng được xác định là 1 trong 4 là vùng trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang. Nhận thức rõ điều này, huyện Lạng Giang đã tập trung huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho công tác phát triển quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng giao thông.

Chỉ trong hơn hai năm đầu của nhiệm kỳ, UBND huyện đã đầu tư xây dựng 30 dự án hạ tầng đấu giá quyền sử dụng đất các khu dân cư với quy mô hơn 140ha, tổng mức đầu tư hơn 1.268 tỷ đồng. Cùng với đó, các chủ đầu tư, doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành năm dự án khu đô thị, khu dân cư với quy mô hơn 166ha, tổng mức đầu tư hơn 1.880 tỷ đồng.

Các dự án khu đô thị mới hoàn thành đã tạo nên diện mạo khang trang, sạch đẹp, nâng cao tiện ích đô thị và thu hút dân cư. Năm 2020, dân cư đô thị đạt 12,96%, năm 2023 tỷ lệ dân cư đô thị đạt 16,06% (vượt mục tiêu của nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2025 đạt 18%).

Một trong những dấu ấn rõ nét nhất trong công tác phát triển đô thị của huyện Lạng Giang trong những năm qua là dự án Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi (gọi tắt là dự án Rùa Vàng City). Nhờ vị trí chiến lược và nằm trong lõi trung tâm huyện Lạng Giang, Rùa Vàng City được chọn là khu kinh tế đêm đầu tiên tại Bắc Giang nói chung và huyện Lạng Giang nói riêng. Nơi đây được định hướng là khu vực vui chơi, giải trí của người dân Lạng Giang và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp.

Được lấy ý tưởng từ các khu thương mại đêm nổi tiếng châu Á như khu Nam Ba của Nhật Bản, Khu phố TSIM SHA TSUI HongKong, Phố đi bộ Nam Kinh – Thượng Hải; Rùa Vàng City được mệnh danh là “thành phố không ngủ”, với các hoạt động kinh doanh trên tuyến phố đi bộ, phố đêm.

Ngoài thành phố Bắc Giang và huyện Lạng Giang, những năm qua, diện mạo đô thị tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như: Thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa, huyện Lục Nam cũng có nhiều chuyển biến rõ nét, khung hạ tầng đô thị liên tục được mở rộng. Các dự án khu dân cư, khu đô thị được triển khai đồng bộ, hiện đại đã góp phần tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho đô thị Bắc Giang.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích