Diện mạo đời sống các khu tái định cư Kinh thành Huế
(Xây dựng) – Thực hiện chủ trương về di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong khu vực I di tích Kinh thành Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt đầu tư các khu dân cư ở Bắc Hương Sơ (thành phố Huế) cho khoảng 5.000 hộ dân đến “an cư, lập nghiệp” tại đây. Những ngôi nhà mới tươm tất, bên cạnh hạ tầng khu dân cư hiện đại đã giúp người dân yên tâm với cuộc sống mới.
Nhiều ngôi nhà khang trang tại Khu dân cư ở Bắc Hương Sơ (thành phố Huế). |
Hàng chục năm sống “bám” trên di tích Kinh thành Huế với căn nhà tạm bợ, chật hẹp, dột nát và nhếch nhác khiến người dân sống trong thấp thỏm lo lắng. Chủ trương di dời, tái định cư khoảng gần 5.000 hộ dân thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được xem như một cuộc di dân lịch sử, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay khiến người dân rất vui mừng, mong đợi từng ngày được “an cư, lạc nghiệp”.
Từ những ngôi nhà ẩm thấp, cũ kỹ do nhiều năm không sửa sang, nâng cấp trong khu đất chật chội, điều kiện sinh sống không đảm bảo thì giờ đây các hộ dân được an cư trong ngôi nhà mới, kiên cố bên cạnh những người hàng xóm cũ. Không còn đón khách trong cảnh đi lại “lòn cúi” như ở Thượng Thành. Giờ đây, những cư dân mới thật thoải mái, tự tin trong những ngôi nhà mới vừa được xây cất ở khu quy hoạch Bắc Hương Sơ.
Ông Phan Văn Ty, khu dân cư Bắc Hương Sơ chia sẻ: Bao nhiêu năm sống ở khu vực Thượng Thành và thuộc diện quy hoạch nên nhà cửa không được cơi nới, sửa sang ngày càng xuống cấp, dột nát, hư hỏng. Vì vậy, khi thành phố Huế có chủ trương bàn giao mặt bằng, gia đình tôi xung phong bàn giao trước, sau đó ra xây dựng nhà ở đây. So với nhà cũ, khu dân cư Bắc Hương Sơ quá hiện đại và thông thoáng, hệ thống đường giao thông, thoát nước, cây xanh tại đây được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân có không gian sinh hoạt, các con có chỗ vui chơi…
Khu dân cư ở Bắc Hương Sơ (thành phố Huế) được đầu tư khang trang để di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế. |
Ở trong ngôi nhà mới khang trang, bà Nguyễn Thị Sửu phấn khởi: Sau nhiều năm chờ đợi, mong muốn được di dời, đến nay mới có cuộc sống ổn định để an cư. Ngoài ra, đến khu dân cư mới nhưng vẫn ở gần với bà con xóm giềng ở chỗ cũ.
Bà Trần Thị Hồng sống trong khu tập thể Xã Tắc mấy chục năm qua, nhà cửa xập xệ không được sửa chữa. Gia đình là một trong những hộ đầu tiên ở khu vực Đàn Xã Tắc nhận tiền và bàn giao mặt bằng rồi nhận đất xây nhà mới ở khu dân cư Bắc Hương Sơ (thành phố Huế).
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Từ trước năm 1975 đến nay, nhiều hộ dân đã chọn Thượng Thành – Eo Bầu làm nơi cư ngụ. Ða số, họ đều là dân lao động nghèo, con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng vẫn không có khả năng tách hộ, phải sống chen chúc dưới những ngôi nhà tạm bợ.
Từ năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới được tăng cường công tác quản lý di tích, sử dụng đất, xây dựng và chống việc gia tăng dân số cơ học vào vùng di tích. Các hộ dân sống “bám” trên di tích không được xây dựng, sửa chữa lớn khiến các hộ dân sống trong căn nhà tạm bợ, chật hẹp, vệ sinh môi trường không đảm bảo, gây mất mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích…
Phương án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế nằm trong công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17/01/2018. Khu tái định cư mới phải đảm bảo các yếu tố cơ bản về hạ tầng kỹ thuật như: giải phóng mặt bằng, san nền, đường giao thông, cấp thoát nước, điện… và các thiết chế văn hóa y tế, giáo dục.
Theo Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt, với tổng mức đầu tư tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 Đề án từ năm 2019-2023 di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực; giai đoạn 2 Đề án từ năm 2023-2025, di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi các di tích 19 khu vực. Tổng số hộ dân di dời của 2 giai đoạn khoảng 5.000 hộ.
Nguồn: Báo xây dựng