Diên Khánh- Khánh Hoà: Nhân rộng mô hình “Thắp sáng đường quê bằng điện năng lượng mặt trời”
Diên Khánh- Khánh Hoà: Nhân rộng mô hình “Thắp sáng đường quê bằng điện năng lượng mặt trời”
Theo dõi MTĐT trên
Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, các cấp Mặt trận trên địa bàn huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà đã duy trì hiệu quả và nhân rộng nhiều mô hình tự quản ở các khu dân cư.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, các cấp Mặt trận trên địa bàn huyện Diên Khánh đã duy trì hiệu quả và nhân rộng nhiều mô hình tự quản ở các khu dân cư. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thôn An Định (xã Diên Phước) hôm nay, các tuyến đường được vệ sinh sạch sẽ, trồng hoa, cây xanh và tô điểm thêm những chiếc bóng đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Bà Nguyễn Thị Thanh – người dân trong thôn cho biết: “Từ khi có đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời trên các tuyến đường, chúng tôi không còn ái ngại mỗi lần ra đường vào buổi tối, các hoạt động trên địa bàn thôn trở nên sôi nổi hơn. Đặc biệt, người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch sẽ, tình làng nghĩa xóm được gắn kết”.
Theo ông Trần Đăng Nguyên, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Phước, trước đây, tối đến, các tuyến đường trên địa bàn thôn An Định không có đèn chiếu sáng nên người dân đi lại rất khó khăn, tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Từ thực tế đó, UBMTTQ Việt Nam xã đã chỉ đạo Ban công tác Mặt trận thôn xây dựng kế hoạch vận động nhân dân thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê bằng điện năng lượng mặt trời”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân rất đồng tình hưởng ứng.
Từ mô hình điểm triển khai năm 2020, tại tuyến đường Bầu Tre có chiều dài 400m, lắp đặt 40 bóng đèn điện, đến nay, địa phương đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí nhân rộng trên 4 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 2,5km, lắp đặt 121 bóng đèn với tổng chi phí 95 triệu đồng. Mỗi hộ dân được vận động đóng góp 320.000 đồng kinh phí thi công ban đầu, từ đó hàng tháng không còn phải đóng tiền điện duy trì. Từ khi có đèn chiếu sáng, người dân rất vui mừng, đời sống tinh thần được nâng lên rõ rệt; tình trạng trộm cắp vặt, va chạm giao thông cũng giảm đáng kể.
Tại xã Diên An, đi trên các tuyến đường, dọc hai bên lề đường, các loài hoa đua nhau khoe sắc. Đây là thành quả sau gần 4 năm triển khai thực hiện mô hình “Tuyến đường hoa” do UBMTTQ Việt Nam xã phát động. Ngoài ra, nhiều người dân đã chủ động trồng hoa ở các đoạn đường ngõ xóm và trong khuôn viên nhà mình.
Tại những nơi trồng hoa, không còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi hay chăn thả gia súc ven đường như trước. Định kỳ hàng tháng, quý và vào các ngày lễ, Tết, người dân đồng loạt ra quân dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Bên cạnh mô hình “Tuyến đường hoa”, địa phương còn vận động người dân xây dựng nhiều mô hình tự quản khác về thắp sáng đường quê, tuyến đường cờ Tổ quốc, an ninh trật tự… nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh.
Ông Hà Văn Đông – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Diên Khánh cho biết, thời gian qua, các xã, thị trấn ngày càng có nhiều mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Riêng năm 2022, đã có 65 mô hình tự quản hiệu quả được Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện công nhận trên các lĩnh vực, như: An ninh trật tự; vệ sinh môi trường; phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo; xây dựng cảnh quan sáng xanh – sạch – đẹp; an toàn vệ sinh thực phẩm; thắp sáng đường quê; tuyên truyền phổ biến pháp luật…
Các mô hình đã góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động nhân dân tích cực tham gia nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thời gian tới, Mặt trận huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương duy trì và nhân rộng các mô hình phù hợp, trong đó tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Phấn đấu năm 2023, mỗi địa phương xây dựng ít nhất 1 mô hình mới gắn với tiêu chí số 10 (thu nhập) trong xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện giai đoạn 2021-2025.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị