Diễn đàn logistics khu vực châu Âu – châu Mỹ: Ngành logistics Việt Nam cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu sang thị trường EU
(Xây dựng) – Những năm qua, hiệp định EVFTA đóng vai trò là đòn bẩy giúp Việt Nam – EU duy trì đà tăng trưởng trong hợp tác thương mại song phương, bất chấp tác động tiêu cực từ Covid-19 cũng như xung đột địa chính trị. Tuy nhiên, để tận dụng tối ưu các lợi thế mà EVFTA mang lại, ngành logistics tại Việt Nam cần thay đổi để hỗ trợ xuất khẩu sau thị trường EU.
Chiều 23/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp với các bên liên quan tổ chức chương trình Diễn đàn logistics khu vực châu Âu – châu Mỹ: “Nắm bắt cơ hội từ EVFTA và các thay đổi của ngành logistics để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU”.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại diện từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp logistics và chuyên gia quốc tế. Sự kiện là cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và các thay đổi của ngành Logistics trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL), Tổng Công ty Thăm Dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt.
Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn. |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương khẳng định tầm quan trọng của logistics trong bối cảnh EVFTA đang tạo ra nhiều cơ hội mới. Logistics không chỉ là công cụ hỗ trợ xuất khẩu, mà còn là chìa khóa kết nối Việt Nam với các thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Âu và châu Mỹ.
Diễn đàn không chỉ thu hút các đại biểu trong nước, mà còn có sự góp mặt của các đại biểu quốc tế. Ông Chandler So, Giám đốc điều hành GEODIS Việt Nam đã đưa ra bức tranh về kết nối logistics giữa Việt Nam và thị trường Châu Âu. Ông cho biết mối quan hệ này không chỉ giúp thúc đẩy giao thương mà còn mang lại cơ hội lớn cho cả hai bên. Nhờ vào sự đầu tư và công nghệ hiện đại, logistics giờ đây trở thành cầu nối quan trọng, giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường châu Âu hơn bao giờ hết.
Ông Chandler So, Giám đốc điều hành GEODIS Việt Nam phát biểu tại chương trình. |
Trong phiên thảo luận, sự kiện đã ghi nhận việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Gothenburg (Thụy Điển). Điều này tạo ra nền tảng vững chắc cho việc nâng cao kết nối vận tải trực tiếp giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu. Hai bên sẽ cùng hợp tác để thúc đẩy thị trường, chia sẻ kinh nghiệm trong khai thác cảng, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cũng như nâng cao nguồn nhân lực cho ngành logistics.
Cuối chương trình, để tạo sự kết nối giữa các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự, ban tổ chức đã thiết kế một phần Q&A sôi nổi. Tại đây, các đại biểu có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi, chia sẻ những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp mình đang gặp phải. Những buổi thảo luận này không chỉ giúp giải đáp các vướng mắc một cách cụ thể mà còn tạo ra một môi trường hợp tác, nơi mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và tìm kiếm các giải pháp hiệu quả cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực logistics.
Đại diện PVT Logistics tham gia Q&A trong chương trình. |
Diễn đàn Logistics Châu Âu – Châu Mỹ 2024 đã khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế. Sự kiện đã tạo ra một diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, và tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng phát triển bền vững.
Nguồn: Báo xây dựng