Điện Biên Phủ: Phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường
Điện Biên Phủ: Phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường
Theo dõi MTĐT trên
Mục tiêu lập Quy hoạch thành phố Điện Biên Phủ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan của thành phố; đồng thời tạo tiền đề phát triển Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II vào năm 2025.
Ngày 9/2/2023, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đến năm 2045.
Theo tóm tắt thuyết minh Nhiệm vụ tại Hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn cho biết: Thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa tỉnh Điện Biên; có vị trí đặc biệt quan trọng, giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng an ninh của vùng Tây Bắc, đầu mối giao lưu của tỉnh Điện Biên với cả nước và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
Những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác phát triển đô thị, quản lý, thu hút đầu tư xây dựng theo Đồ án Quy hoạch chung Thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Tuy nhiên, quá trình phát triển thành phố cho thấy một số tồn tại cần được nghiên cứu, lồng ghép và giải quyết trong giai đoạn tới. Do đó việc lập Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045 là rất cần thiết.
Phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Điện Biên Phủ, có tổng diện tích tự nhiên 30.657,79ha với 12 đơn vị hành chính; phía Bắc giáp huyện Mường Chà; phía Đông Nam giáp huyện Điện Biên Đông; phía Tây và phía Nam giáp huyện Điện Biên; phía Đông giáp huyện Mường Ảng.
Mục tiêu lập Quy hoạch nhằm cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh và thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; tạo tiền đề nâng loại, phát triển Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II vào năm 2025.
Quy hoạch cũng nhằm xây dựng, phát triển thành phố thành đô thị dịch vụ, du lịch lịch sử, gắn bảo tồn và phát triển bền vững các di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ phát triển rừng và cảnh quan thiên nhiên; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ.
Quy hoạch hướng đến tạo tiền đề thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đô thị và các khu dân cư; lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn theo quy định và là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển theo quy hoạch được duyệt.
Các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến giúp đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo thuyết minh. Cụ thể, tư vấn cần bổ sung căn cứ pháp lý, làm rõ hơn sự cần thiết lập Quy hoạch; chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc cũng như các công trình, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn; quan tâm nhiều hơn tới phát triển du lịch; làm rõ các nội dung liên quan đến phân vùng khu vực đô thị hiện hữu và các khu đô thị phát triển mở rộng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị an ninh quốc phòng; chú trọng phát triển hệ thống công viên cây xanh, cấp nước và xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh Điện Biên và đơn vị tư vấn trong việc hoàn thành Nhiệm vụ quy hoạch.
Đối với Báo cáo thuyết minh, bà Trần Thu Hằng lưu ý cần làm rõ vị thế, vai trò và mối quan hệ của thành phố Điện Biên Phủ với vùng và khu vực để phát huy tiềm năng, thế mạnh và vai trò của đô thị; nghiên cứu lồng ghép các định hướng quan trọng của Quốc gia, của tỉnh; phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch cần kết nối với các khu vực cận kề và phủ kín địa giới hành chính thành phố sau mở rộng; phát triển các chức năng đô thị cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần có tầm nhìn dài hạn để liên kết chặt chẽ giữa khu vực dự kiến phát triển các chức năng cho thành phố với các khu vực bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử “Chiến trường Điện Biên Phủ”; phát triển hệ thống hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần đảm bảo tính chất, quy mô để đáp ứng nhu cầu là đô thị loại II./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị