Điện Biên: Dự án Khe Chít 2 chính sách bất nhất trong đền bù GPMB khi thu hồi đất
(TN&MT) – Rất nhiều ngày qua, 7 hộ dân thuộc tổ dân phố 3, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên làm đơn kiến nghị gửi chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, trong đó có Báo TN&MT, tại Điện Biên về việc TP. Điện Biên Phủ thu hồi đất của dân nhưng chưa thực hiện phương án đền bù GPMB và cũng chưa một ai đứng ra giải thích vì sao và diện tích đất hơn 1ha thu hồi của dân thuộc loại đất gì, có được đền bù, hỗ trợ GPMB hay không. Điều này khiến dư luận bức xúc, quan tâm.
Rất nhiều tháng qua, 7 hộ dân thuộc tổ dân phố 3, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên gửi đơn kiến nghị đi khắp nơi và hỏi: Vì sao diện tích đất 11.606m2 của 7 hộ dân UBND TP. Điện Biên Phủ thu hồi để thực hiện Dự án Khu TĐC Khe Chít 2 đến nay vẫn không nhận được tiền hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trong khi, những hộ khác cùng trong một dự án, trên cùng một dải đất, sống cùng một thời điểm, nguồn gốc đất hình thành cùng thời gian… lại nhận được tiền hỗ trợ đền bù GPMB từ rất lâu, còn 7 hộ dân lại không nhận được tiền hồ trợ đền bù GPMB. Nguyên nhân vì sao đến nay 7 hộ này vẫn không biết.
Ông Nguyễn Đình Vượng, tổ dân phố 3, phường Noong Bua (là một trong số 7 hộ dân chưa nhận được hỗ trợ đền bù GPMB tại Dự án TĐC Khe Chít 2, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) chỉ tay diện tích đất của 7 hộ liền kề nhau trong Dự án |
Ông Nguyễn Xuân Duyến, 1 trong số 7 hộ dân, chia sẻ: “Chúng tôi hỏi lãnh đạo thành phố thì lãnh đạo thành phố bảo đang có văn bản hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường. Sang gặp lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thì lại bảo đã có văn bản trả lời thành phố, giao lại cho thành phố giải quyết.
Nhưng đến nay, vẫn chưa có ai giải thích và trả lời cho chúng tôi tại sao các hộ khác thì được hỗ trợ đền bù GPMB còn chúng tôi lại không. Và cũng không có ai trả lời cho chúng tôi biết tại sao lại không được. Trong khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất phục vụ cho Dự án, lãnh đạo phường xuống vận động, chúng tôi tiên phong ủng hộ; có tất cả 25 hộ. Dự án cũng đã kết thúc từ lâu, vậy mà chúng tôi cứ phải dắt nhau đệ đơn kiến nghị hết nơi này đến nơi khác mà không ai cho chúng tôi câu trả lời thỏa đáng. Vì sao..?” – Ông Duyến nói.
Đại diện lãnh đạo thành phố, Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ, cho rằng: Điểm mấu chốt còn tồn tại của 7 hộ dân, thuộc Dự án mở rộng điểm TĐC Khe Chít 2 (gọi tắt là Dự án Khe Chít 2 – PV) là chưa xác định được nguồn gốc đất của các hộ dân; giữa đất nông nghiệp và 3 loại rừng. Chính vì vậy mà thành phố không có cơ sở để thực hiện chi trả, hỗ trợ GPMB.
Cũng theo kiến nghị của các hộ dân thì việc thành phố quy hoạch diện tích 11,606m2 đất nằm trong Dự án TĐC Khe Chít 2 vào 3 loại rừng từ khi nào các hộ cũng không biết; 7 hộ không được thông báo, không được nhận được công bố quy hoạch, chưa thực hiện cắm mốc, giao mốc hoặc bất cứ thông tin hay chế độ gì. Trong khi người dân diện tích này các hộ về ở và sinh sống, khai hoang từ những năm 1980, canh tác ổn định, không tranh chấp và chủ yếu dùng để trồng ngô, trồng sắn, có hộ thì trồng tre và cây ăn quả.
Trong cùng một dải đất thuộc Dự án TĐC Khe Chít 2, phường Noong Bua 4 hộ dân đã nhận được tiền hỗ trợ đền bù GPMB, còn 7 hỗ chưa nhận được hỗ trợ đền bù GPMB vẫn ngóng trông, chờ đợi một lời giải thích thỏa đáng. Họ đã chờ suốt 3 năm qua nhưng không ai trả lời họ đó là đất gì. Vì sao lại không nhaanjd dược tiền hỗ trợ đền bù GPMB. |
Trước đó, Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ cũng đã xác định loại đất của 7 hộ dân kể trên bằng Công văn số 68/CV-HKL, ngày 11/4/2019: Theo các tài liệu lưu trữ tại cơ quan Hạt Kiểm lâm thành phố thì diện tích đất thuộc phạm vi Dự án điểm TĐC Khe Chít 2, được quy hoạch trong 3 loại rừng trên chưa được cơ quan có thẩm quyền thực hiện giao đất, giao rừng. Trạng thái chủ yếu là măng tre bát độ và một số cây ăn quả các hộ dân tự bỏ vốn trồng (do không có vị trí danh giới của các hộ gia đình nên Hạt Kiểm lâm thành phố chỉ xác định được theo danh giới của Dự án.)
Trước đó, ngày 20/5/2016, UBND TP. Điện Biên Phủ ra Quyết định số 685/QĐ-UBND kèm theo Phương án và dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ TĐC (đợt 4) cho các hộ dân khu Noong Bua bị thu hồi đất để phục vụ Dự án. Trong đợt 4 này, có 4 hộ dân được nhận tiền hỗ trợ GPMB có diện tích đất nằm trên cùng một dải, sống cùng thời điểm (năm 1978), nguồn gốc đất sử dụng ổn định với 7 hộ dân (hiện chưa nhận được tiền hỗ trợ GPMB).
Xuất phát từ việc 11 hộ dân cùng trên 1 dải đất, mục đích sử dụng đất giống nhau. Nhưng 4 hộ được nhận tiền hỗ trợ GPMB, còn 7 hộ thì không nhận được tiền hỗ trợ GPMB. Các hộ dân làm đơn kiến gửi khắp nơi.
Báo cáo của phường Noong Bua, xác minh nguồn gốc của các hộ và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm thành phố, UBND TP. Điện Biên Phủ bớt chút thời gian về làm rõ nguồn gốc đất cho dân và xử lý dứt điểm vụ việc…
|
Ngày 24/4/2019, UBND phường Noong Bua tiến hành rà soát lại nguồn gốc đất của 7 hộ dân và ban hành Báo cáo số 27/BC – UBND, gửi UBND TP. Điện Biên Phủ, Trung tâm Phát triển quỹ đất Sở Tài nguyên và Môi trường, có nội dung: “Trên cơ sở xác minh nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình, UBND phường Noong Bua đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Hạt Kiểm lâm thành phố; UBND TP. Điện Biên Phủ xác định rõ diện tích đất người dân sử dụng và diện tích đất đưa vào quy hoạch 3 loại rừng và lên phương án áp giá đền bù cho người dân theo quy định.
Nếu diện tích của 7 hộ dân đã có trong bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2008, nhưng chưa công bố quy hoạch, chưa thực hiện cắm mốc và bàn giao cho người dân quản lý, chưa có bất kỳ hỗ trợ nào cho người dân đề nghị xem xét nghiên cứu thực hiện chi trả cho người dân theo Khoản b, Điều 17, Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND tỉnh Điện Biên, về việc ban hành quy định chi tiết một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ TĐC khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên: “Trường hợp đất sản xuất nông nghiệp đã hình thành trước thời điểm công bố quy hoạch đất lâm nghiệp, được UBND xã xác nhận, nhưng ở thời điểm cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp chưa dược bồi thường để chuyển mục đích sử dụng đất thì khi thu hồi đất được bồi thường theo quy định bồi thường đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và được bồi thường đất theo quy định hiện hành” để người dân không tham gia khiếu kiện vượt cấp, kéo gài gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.”– Hết trích dẫn văn bản.
Ông Nguyễn Đình Tưởng, Chủ tịch UBND phường Noong Bua, cho biết: Trước khi triển khai Dự án người dân kiến nghị, đề nghị Hạt Kiểm lâm, Sở Tài nguyên và Môi trường về xác định rõ gianh giới, diện tích đất lâm nghiệp và nông nghiệp… nhưng chờ mãi không ai về. Phường cũng đã vận động bà con, ủng hộ chủ trương của tỉnh, thành phố… Bà con cứ yên tâm, rồi đâu sẽ có đó.
Nhưng đến nay, Dự án đã kết thúc mà vụ việc chưa được xử lý giải quyết dứt điểm, khiến chúng tôi ở cơ sở rất khó xử. Trong khi đó, thực tế, có hộ gia đình (hộ bà Nguyễn Thị Khuyên – PV) vị trí đất nằm giữa 7 hộ kể trên thì được áp giá đất nông nghiệp và hưởng chính sách hỗ trợ đầy đủ. Thậm chí có hộ sử dụng đất phía trên đỉnh đồi cũng được áp giá đất nông nghiệp và hưởng chế độ chính sách đầy đủ, trong khi 7 hộ dân canh tác phía dưới thì lại không được. Như vậy là không công bằng.
Tính từ khi triển khai Dự án TĐC Khe Chít đến nay đã gần 6 năm. Dự án kết thúc từ năm 2019, nhưng đến nay vụ việc vẫn đưa đi đẩy lại giữa UBND TP. Điện Biên Phủ và Sở Tài nguyên và Môi trường, trong khi 7 hộ dân thì nóng lòng trông đợi, đơn thư, kiến nghị gửi khắp nơi… Song, vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, điều này gây bức xúc trong dân. Mong chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên sớm có câu trả lời và giải quyết thỏa đáng đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của 7 hộ dân.
Điểm tái định cư Khe Chít 2, được triển khai từ năm 2015; đây là một hợp phần trong Dự án TĐC Khe Chít, theo Quyết định số 1492a/GĐ-UBND, ngày 3/12/2015 của UBND TP. Điện Biên Phủ, về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch chi tiết xây dựng, mở rộng điểm TĐC Khe Chít 2 thuộc Dự án: San nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Khe Chít khu TĐC Noong Bua, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ; quy mô dự án được triển khai trên diện tích 8,74ha. Dân số 650 đến 900 người.
Không gian kiến trúc được chia ra làm 5 khu: đất ở dự kiến 250 lô tái định cư; công trình công cộng; hội trường phố; vườn hoa cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Tổng vốn đầu tư 18 tỷ 400 triệu đồng.
Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 17 tỷ 490 triệu đồng, chi phí dự phòng 910 triệu đồng.
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin vụ việc.