Điện Biên: Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời mùa mưa lũ
Điện Biên: Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời mùa mưa lũ
Để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Điện Biên đã chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai.
Mùa mưa lũ năm 2023 được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã chủ động trong công tác dự báo cũng như xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai.
Trong đó, nội dung được chú trọng là nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thiên tai diễn biến khó lường trong khi việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, phân tích thiên tai, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành và cứu hộ cứu nạn còn hạn chế, nhất là đối với loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Do sự thiếu hụt mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt là các trạm đo mưa, mực nước tự động, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Nhà ở của nhân dân còn nhiều nhà chưa kiên cố. Tình trạng các hộ dân tự ý san lấp mặt bằng gây trượt, sạt lở đất vẫn xảy ra phổ biến. Quỹ đất để thực hiện việc di dời dân cư khỏi vùng bị ảnh hưởng thiên tai rất ít, kinh phí để hỗ trợ di chuyển chưa đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư còn tâm lý chủ quan, chưa chủ động trong phòng chống thiên tai, mưa lũ.
Thực hiện Chỉ thị số 1194/CT-UBND ngày 7/4/2023, UBND tỉnh Điện Biên về việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền cấp huyện, các tổ chức kinh tế xã hội, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai. Từ đó hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động tham gia phòng chống thiên tai của đại đa số người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai. Tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.
Đồng thời, các cơ quan chức năng chủ động kiểm tra rà soát, xác định những khu vực xung yếu, có nguy cơ xảy ra thiên tai. Kiên quyết di dời, sơ tán những hộ nằm trong vùng nguy hiểm.
Tăng cường kiểm tra, đánh giá, quản lý các công trình thủy lợi, giao thông, hồ chứa; cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ rủi ro thiên tai (dễ bị ngập lụt, xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún, sạt lở bờ sông, suối, nguy cơ cháy rừng cao…) Củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là công tác ứng phó tại chỗ ngay khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Đối với các lực lượng vũ trang (quân đội, biên phòng, công an), đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai không để xảy ra bị động trong mọi tình huống.
Sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm nạn nhân mất tích do mưa lũ cuốn trôi, hỗ trợ nhân dân kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Với tinh thần tích cực, chủ động, thời điểm này các cấp, ngành tỉnh đã chuẩn bị chu đáo sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi xảy ra thiên tai.
Những năm qua, tỉnh Điện Biên thường xuyên phải hứng chịu hậu quả nặng nề bởi mưa lũ, ngập úng, sạt lở đất đá, giông lốc… làm thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4, thiên tai đã làm 185 ngôi nhà bị tốc mái; 45,65ha lúa, hơn 1.489ha ngô, rau màu, hơn 2.449ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại do mưa đá, hạn hán; 10 con gia súc, 1.403 con gia cầm bị chết do rét và mưa đá… ước tổng thiệt hại khoảng 5,2 tỷ đồng.
Mới đây, mưa lớn kèm gió lốc xảy ra chiều tối ngày 2/5 trên địa bàn huyện Điện Biên, Tủa Chùa và TP. Điện Biên Phủ đã gây thiệt hại về tài sản của nhà nước và người dân trên 7 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị