Điểm tên những thương vụ chào sàn thất bại của các doanh nghiệp trong năm 2023
Sau nhiều tháng hồi phục mạnh mẽ, thị trường chứng khoán bắt đầu xuất hiện tín hiệu đảo chiều sau 2 lần bứt phá thất bại tại mốc 1.250 điểm. Trước diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán trong năm 2023, nhiều thương vụ chào sàn của loạt doanh nghiệp lớn đã thất bại khi vốn hóa đồng loạt bốc hơi trên 50% chỉ sau vài ngày.
Cổ phiếu Công ty CP Tôn Đông Á (UPCOM: GDA)
114,69 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tôn Đông Á (UPCOM: GDA) được giao dịch lần đầu tiên vào ngày 7/9/2023. Mở cửa phiên giao dịch 7/9, GDA được đẩy lên mức 40.000 đồng/cổ phiếu ngay từ thời điểm ATO. Tuy nhiên, đà tăng của cổ phiếu không thể duy trì được lâu khi lực bán bất ngờ gia tăng ngay sau đó. Chốt phiên giao dịch 7/9, GDA đóng cửa quanh mức giá 33.000 đồng, giảm khoảng 17% ngay trong phiên đầu tiên.
Chưa dừng lại ở đó, cổ phiếu GDA tiếp tục đánh rơi 15% trong phiên giao dịch tiếp theo. Sau hơn 1 tháng giao dịch, cổ phiếu GDA bắt đầu tạo đáy quanh mức giá 21.000 đồng. Như vậy, so với mức giá 40.000 đồng trong ngày đầu tiên, vốn hóa của Tôn đông Á đã bốc hơi gần 50%.
Việc giá cổ phiếu bay hơi 50% khiến cho tài sản của cổ đông lớn của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Theo cáo bạch tài chính của Tôn Đông Á, doanh nghiệp hiện có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 57,34% vốn bao gồm ông Nguyễn Thanh Trung – Chủ tịch HĐQT sở hữu 32,6% vốn điều lệ; bà Lê Thị Phương Loan – thành viên HĐQT sở hữu 10,73% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam sở hữu 7,44% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – thành viên HĐQT sở hữu 6,57% vốn điều lệ.
Cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer (UPCOM: NCG)
Chào sàn Upcom vào ngày 9/11/2023, 119,78 triệu cổ phiếu NCG bất ngờ gây thất vọng khi bất ngờ bốc hơi gần 20% trong ngày đầu tiên giao dịch. Cụ thể, NCG mở cửa phiên giao dịch 9/11 quanh mốc giá 38.000 đồng, tương ứng vốn hóa thị trường đạt 4.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, lực bán áp đảo đã đẩy cổ phiếu NCG đóng cửa tại vùng 22.800 đồng, tương ứng mức giảm 26%, trái ngược với kỳ vọng của đa số NĐT.
Sau hơn 1 tháng chào sàn, NCG hiện đang được giao dịch quanh mốc 15.000 đồng/cổ phiếu. So sánh với mức giá 38.000 đồng, NCG đã giảm khoảng 60%. Màn chào sàn thất vọng của NCG diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh kém sắc trong quý 3 vừa qua.
Kết thúc quý 3, Nova Consumer ghi nhận 1.054 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn cũng giảm 22%, xuống còn 944 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm hơn 26%, về mức hơn 110 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của NCG đạt gần 13 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng tăng tương ứng lên lần lượt 56 tỷ đồng và 89 tỷ đồng, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7%, về còn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ NCG không còn khoản thu nhập khác 26,5 tỷ đồng mà chỉ còn gần 1,3 tỷ đồng. Theo đó, NCG báo lỗ xấp xỉ 43,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 64 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ báo lỗ 50,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu Công ty CP BCG Land (UPCOM: BCR)
Cùng diễn biến như GDA và NCG, cổ phiếu BCR cũng gây thất vọng trong ngày đầu tiên chào sàn. Mở cửa phiên giao dịch 8/12, cổ phiếu BCR được giao dịch quanh mức giá 15.000 đồng. Sau khoảng 1 tuần giao dịch, thị giá của BCR đã bốc hơi gần 50%, tiến về quanh mức giá 8.000 đồng.
Đà lao dốc của BCR cũng tác động một phần tới cổ đông lớn của doanh nghiệp. Xét về cơ cấu cổ đông, công ty có 363 cổ đông nắm giữ 460 triệu cổ phiếu. Đáng nói, 5 tổ chức nắm giữ hơn 337,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 73,32% vốn điều lệ công ty. Hai cổ đông lớn là Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) và Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (HOSE: TCD) nắm giữ lần lượt 62,1% và 9,43% vốn. Như vậy, ba tổ chức trong nước khác sở hữu hơn 8,1 triệu cổ phiếu BCR.
Theo Kinh tế Chứng khoán
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu