Điểm mới của Thông tư 24 trong quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng SPHH

So với thông tư cũ có 12 điều và 12 biểu mẫu sử dụng trong việc kiểm tra, thông tư mới gồm 15 điều và chỉ còn có 8 biểu mẫu.

Căn cứ Khoản 2 Điều 143 Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 154/2020/NĐ-CP: “Thay thế văn bản được áp dụng trong trường hợp toàn bộ hoặc phần lớn nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội”. Do đó, Thông tư số 16/2012/TT-BKHCN ngày 27/8/2012 cần sửa đổi và thay thế.

Theo đó, Thông tư số 24/2023/TT-BKHCN quy định về hình thức, nội dung, trình tự xử lý và tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.

1. Hình thức kiểm tra Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất được quy định như sau:

(1) Kiểm tra theo kế hoạch

– Xây dựng kế hoạch kiểm tra: Hằng năm, cơ quan kiểm tra căn cứ yêu cầu quản lý, diễn biến tình hình chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đánh giá tình hình tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kết quả kiểm tra kỳ trước; tình hình kinh phí và chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên để xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Căn cứ kế hoạch kiểm tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chậm nhất trước ngày 30 tháng 11 hằng năm, kế hoạch kiểm tra của năm kế tiếp phải được ban hành.

– Trước khi tiến hành kiểm tra theo kế hoạch, cơ quan kiểm tra thông báo trước cho tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa (cơ sở được kiểm tra) ít nhất 03 ngày làm việc.

– Đối với những cơ sở được kiểm tra trong kế hoạch đã được phê duyệt, căn cứ tình hình thực tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý, trường hợp cơ quan kiểm tra không kiểm tra tại cơ sở được kiểm tra thì gửi công văn đến cơ sở được kiểm tra yêu cầu báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến sản phẩm, hàng hóa do cơ sở đang sản xuất. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa thông qua các báo cáo của cơ sở được kiểm tra thì cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định tại khoản (2).

(2) Kiểm tra đột xuất

Cơ quan kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành kiểm tra đột xuất trong sản xuất khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 4 Thông tư 24/2023/TT-BKHCN.

2. Tại Chương II Điều 6 khoản 4 Thông tư sửa đổi quy định về lấy mẫu để phục vụ kiểm tra chất lượng: “Mẫu được lấy theo phương pháp lấy mẫu quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trường hợp không có quy định về phương pháp lấy mẫu thì lấy mẫu theo nguyên tắc ngẫu nhiên, bảo đảm mẫu là đại diện cho lô sản phẩm, hàng hóa. Mỗi mẫu cần lấy một đơn vị mẫu hoặc nhiều hơn nhưng tối đa là bốn (04) đơn vị mẫu. Một (01) đơn vị mẫu được gửi đi thử nghiệm, cơ sở được kiểm tra có quyền không lưu hoặc lưu không quá ba (03) đơn vị mẫu…”

Thông tư cũng bổ sung các quy định về Lưu mẫu, Thử nghiệm mẫu rõ ràng hơn so với Thông tư cũ.

3. Tại Chương III Điều 9 Thông tư đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới, trong đó có nội dung cơ sở được kiểm tra thực hiện việc khắc phục hoặc tiêu hủy lô sản phẩm, hàng hóa không phù hợp. Cụ thể:

– Trường hợp cơ sở được kiểm tra thực hiện tái chế hàng hóa thì khi tái chế xong cơ sở được kiểm tra báo cáo bằng văn bản để cơ quan kiểm tra tiến hành lấy mẫu thử nghiệm lại các chỉ tiêu không đạt. Nếu kết quả thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, cơ quan kiểm tra ra công văn thông báo sản phẩm được tiếp tục sản xuất.

– Trường hợp cơ sở được kiểm tra thực hiện việc tiêu hủy hàng hoá vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ sở được kiểm tra phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan về việc tiêu hủy hàng hoá vi phạm.

4. Tại Chương IV Thông tư đã bổ sung trách nhiệm của Cơ quan thực hiện chức năng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và trách nhiệm của cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 10, 11), bổ sung trách nhiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN cụ thể, rõ ràng hơn so với thông tư cũ.

Để việc thực hiện thông tư mới hiệu quả, trong thời gian sắp tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tư mới quy định của pháp luật việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN tới các cơ quan, tổ chức có liên quan. Từ đó chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

Hạnh Nguyên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích