Dịch sởi diễn biến phức tạp tại TP.HCM

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 3 năm 2021, 2022, 2023 cả TP.HCM chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi; từ ngày 1/1/2024 – 22/5/2024 cả Thành phố (TP) không ghi nhận ca bệnh sởi nào. Tuy nhiên chỉ trong 3 tháng (từ 23/5 đến hết ngày 27/8/2024) trên địa bàn TP đã có 432 trường hợp mắc bệnh sởi. Các quận huyện có nhiều ca mắc sởi gồm: Huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, TP Thủ Đức. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi chiếm 74% trong tổng số bệnh nhân, và có đến 71% trẻ hoàn toàn chưa được tiêm chủng vắc xin sởi dù đã đủ tuổi tiêm chủng. Đặc biệt, trong đợt dịch này, các bệnh viện của TP đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi (gồm 2 trường hợp của TP và 1 trường hợp của tỉnh khác), cả 3 trường hợp này đều có bệnh mạn tính nặng.

Dịch sởi diễn biến phức tạp tại TP.HCM
Ngành y tế TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ em trên địa bàn.

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau khi Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM công bố dịch sởi trên địa bàn, ngành y tế TP đã tích cực chuẩn bị nguồn vắc xin để triển khai tiêm bổ sung cho trẻ từ 1 tuổi – 5 tuổi, các trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao đang quản lý, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP; tiêm bù cho trẻ từ 6 tuổi – 10 tuổi, nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với người mắc sởi, nhân viên y tế chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao. Ưu tiên tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 tuổi – 5 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn TP. Dự kiến ngành y tế TP sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi từ ngày 31/8/2024 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm 2024.

Ngoài ra UBND TP.HCM cũng sẽ tăng cường giám sát để phát hiện sớm các ổ dịch sởi, từ đó kịp thời ngăn chặn không để ổ dịch lan rộng, kéo dài. Triển khai các kịch bản xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi. Thường xuyên giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các quận, huyện; đặc biệt chú trọng phòng chống dịch trong trường học, các cơ sở bảo trợ xã hội. Bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cần thiết đáp ứng kịp thời cho công tác chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa sởi trong bệnh viện. Triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ đang điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện để được chăm sóc và quản lý kịp thời.

Nhằm phòng, chống dịch sởi trên địa bàn TP đạt hiệu quả, Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu tất cả các trường hợp bệnh truyền nhiễm đến khám và điều trị tại các bệnh viện của TP, từ hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT nhằm giúp TP có kế hoạch đáp ứng kịp thời trong công tác điều trị cũng như dự báo dịch bệnh.

Đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xem xét, chỉ đạo các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc việc quản lý trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, cập nhật kịp thời các thay đổi thông tin đối tượng tiêm chủng trên hệ thống, bao gồm địa chỉ cư trú, thông tin tiêm chủng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ nằm ngoài danh sách quản lý của y tế xã phường nơi đang sống, ảnh hưởng đến quyền lợi tiêm chủng của trẻ.

Thành Đồng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích