Dịch Covid-19 tạo áp lực cho thị trường lao động
Khi lao động trở về quê… chưa hẹn ngày trở lại
Báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động 7 tháng đầu năm 2021, Cục Việc làm cho biết, tác động của 2 đợt dịch Covid-19 trong 7 tháng đầu năm 2021 đến thị trường lao động vô cùng lớn, đặc biệt trong tháng 7 đã làm “tê liệt” thị trường lao động phía Nam sôi động nhất, thu hút nhân lực nhất của cả nước.
Số ca F0 tăng lên không ngừng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài từ cuối tháng 6 đến nay (gần 2 tháng) tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý tránh những khu vực đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động phải nghỉ việc về quê.
Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội trao hỗ trợ cho người lao động đến từ Điện Biên mắc kẹt trên địa bàn huyện Chương Mỹ. |
Nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch để đưa lao động về quê, tuy nhiên do yêu cầu về y tế, mới đưa được hơn 50.000 người trở lại quê, trong đó ưu tiên những người yếu thế, người già trẻ em, phụ nữ mang thai. Với sức ép về cuộc sống hàng ngày, tâm lý lo sợ mắc bệnh nên nhiều người lao động đã tự phát “ồ ạt” về quê bằng các phương tiện cá nhân, không có đăng ký với chính quyền địa phương, không được theo dõi y tế…
Số lao động tự phát di chuyển là hơn 100.000 người khiến cho chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc theo dõi, các khu cách ly y tế quá tải. Luồng di chuyển lao động chủ yếu hiện nay là từ các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về ngược lại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung.
Theo thống kê nhanh của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhu cầu lao động được trở về quê ngày càng cao, hiện nay có hơn 50.000 người đăng ký với chính quyền địa phương. “Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy nguy cơ “thiếu hụt lao động” với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…”, đại diện Cục Việc làm nhận định.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, số lao động hiện đáp ứng được 65-70% nhu cầu, trong thời gian quý 3, quý 4 để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng thì số lượng lao động cần tuyển khá lớn.
Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong cuối tháng 7 vừa qua cho thấy khả năng chịu đựng, chống lại với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới. Trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thị trường lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc lao động “ồ ạt về quê” như thời gian qua sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động.
Theo Cục Việc làm, nguy cơ thiếu hụt lao động trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng sẽ dư thừa lao động ở những nơi nguồn cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, tạo nên nghịch lý về cung cầu lao động.
Ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động tuyến đầu, lao động ngoại tỉnh
Trước thực trạng kể trên, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, Cục Việc làm đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh…
Trong đó, chú trọng ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đồng thời ưu tiên tiêm phòng cho lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.
Các giải pháp cũng đề cập đến việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ tực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí… hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng…
Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cục Việc làm cũng nhấn mạnh, các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp để cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc thay vì việc lên phương án đón người lao động về quê dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực khi các tỉnh khu vực phía Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô