Dịch COVID-19 ‘tấn công’ công trường trọng điểm
Dịch COVID-19 đã “tấn công” vào các công trường trọng điểm, trong đó có các dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam, gây đình trệ sản xuất, thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, giá thép tăng cao khiến nhiều dự án thành phần dự án cao tốc đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án thành phần thuộc đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Ảnh: Nhà thầu cung cấp |
Ông Nguyễn Doãn Tân, Giám đốc dự án thành phần cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây chia sẻ, làn sóng COVID-19 thứ 4, khiến các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai siết chặt quản lý, xe mất nhiều ngày mới vào được công trường của dự án. Đến cuối tháng 7, tại dự án có 12 ca bệnh, ở Đồng Nai có 200 cán bộ công nhân viên trên công trường phải cách ly.
“Đến thời điểm hiện tại, công trường có 5 ca khỏi bệnh và nhiều cán bộ hết thời gian cách ly nhưng dự án lại đối mặt với việc thiếu vật liệu, người lao động lo sợ bị lây bệnh, muốn về quê”, ông Tân nói.
Ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng Giám đốc Tổng công ty 319 (đơn vị đang thi công 3 dự án trọng điểm là Mai Sơn – QL 45, Cam Lộ – La Sơn và Mỹ Thuận – Cần Thơ) cho biết, giá vật liệu tăng, dịch bùng phát khiến quá trình vận hành công việc tại các dự án gặp rất nhiều khó khăn.
“Công tác chỉ đạo điều hành tại dự án Mai Sơn – QL45 đều được thực hiện online. Các tổ đội thi công hoạt động độc lập. Hiện tại, các nhà thầu đang phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo đủ nguồn đất đắp”, ông Khiêm nói.
Còn ông Hồ Đình Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khiến một số cán bộ, nhân viên dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhiễm SARS CoV-2 và hàng trăm người khác trở thành F1, F2 phải cách ly tập trung hoặc tại chỗ.
Vì thế một số gói thầu dự án cao tốc phải tạm dừng thi công. Bên cạnh đó, các trạm trộn bê tông nhựa tại Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ phục vụ thi công dự án đều bị đình hoãn sản xuất. Các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội thời gian dài nên việc vận chuyển, cung cấp vật tư, vật liệu đến công trường cũng gặp khó.
Là dự án trọng điểm ở miền Tây Nam bộ, hiện tại cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đạt khối lượng thi công khoảng 80%, tuyến đường chính đã sắp hoàn thành thử tải, đơn vị thi công đang thảm bê tông nhựa. Đơn vị quản lý dự án cho biết, sẽ tiếp tục điều phối nhân sự thay thế lao động bị cách ly để công trình không bị đình trệ kéo dài, đảm bảo thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay.
Kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó
Để đảm bảo tiến độ thi công các đoạn cao tốc Bắc – Nam, ngày 22/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn tới công trường một số dự án kiểm tra, làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ vướng mắc. Ông Tuấn yêu cầu đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu phải có giải pháp để vừa đảm bảo thi công đúng tiến độ, vừa phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện nhiều địa phương nơi có dự án đi qua đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các nhà thầu đã lên phương án tổ chức cho kỹ sư, công nhân ăn ở tại công trường. Ông Tuấn cũng giao Cục Y tế (Bộ GTVT) tham vấn, xây dựng để lãnh đạo bộ này sớm ban hành quy trình mẫu cho các nhà thầu thi công ở vùng đang có dịch, vùng đang triển khai Chỉ thị 15, 16.
Nói về khó khăn của các doanh nghiệp hạ tầng giao thông, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nói, ngoài việc thi công bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp, nhà thầu còn phát sinh thêm chi phí duy trì nhân lực, máy móc và trả nợ ngân hàng.
VARSI đề xuất Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được chậm thu, chậm nộp các khoản phí bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm 2021, đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động tại dự án dừng thi công. Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung luồng xanh tạo thuận lợi cho xe vận chuyển hàng hóa, vật tư đến các dự án giao thông để hoàn thành đúng tiến độ.
Nguồn: Báo xây dựng