Dịch Covid-19 “đánh” vào ngư dân Nghệ An

“Cấp đông” cả nguồn vốn

Cảng cá Quỳnh Lập, thuộc xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đìu hiu trong những ngày địa phương thực hiện Chỉ thị 15 để phòng, chống dịch Covid-19. Đi hết gần 1 km đê biển, chúng tôi mới gặp một chiếc tàu vừa cập bờ đang xuống cá cho tiểu thương. Không cảnh chen lấn, ì èo mặc cả, tiểu thương và chủ tàu lặng lẽ giao hàng và thanh toán trong một không gian im ắng như khi vùng quê này thực hiện Chỉ thị 16 để chống dịch.

Chúng tôi vào kho hải sản của Doanh nghiệp tư nhân Huấn Phong, thuộc xóm Tâm Tiến, xã Quỳnh Lập, doanh nghiệp này có kho lạnh với quy mô lớn nhất nhì khu vực Cảng cá Quỳnh Lập. Hiện nay, trong kho vẫn còn tồn đọng 200 tấn mực và nhiều loại cá khác.

Dịch Covid-19
Cảnh tàu cá xuống hàng trở nên hiếm ở Cảng cá Quỳnh Lập khi nguồn hải sản đánh bắt về không tiêu thụ được do dịch Covid-19. (Ảnh Cao Sơn)

Ông Lê Hữu Huấn, chủ kho đông lạnh Huấn Phong than thở, hàng lấy vào 10 phần thì xuất ra được 2 phần. Còn giá thì giảm xuống 30% so với ngày chưa có dịch. Doanh nghiệp là khách hàng truyền thống của nhiều chủ tàu cá. Bình thường, khi tàu cá cập cảng, hải sản đánh bắt được họ nhập cho kho của ông. Nay dịch bệnh, các tàu cá về ông không thể từ chối không mua, mặc dù chỉ mang vào kho để cấp đông. Đến lúc bán ra, chi phí không bù đủ tiền điện chạy máy lạnh. Ngoài việc bỏ tiền thu mua, cất giữ hải sản, ông còn phải trả công cho 40 lao động thường xuyên để vận chuyển, sơ chế, phơi sấy, đưa cá vào cấp đông.

“Các tàu đánh bắt về là mình phải mua cho họ. Mình đã mua nhiều năm, giờ khó mấy, tồn kho mấy tháng cũng phải mua cho chủ tàu. Các tàu cá đi đánh bắt, thậm chí có tàu phải vay kinh phí để đi, cập bờ chỉ trông chờ vào tiền bán cá. Cho nên, chủ kho phải thanh toán ngay cho chủ tàu, dù có phải đi vay nóng để trả. Mình cũng phải giữ chân chủ tàu mặc dù biết nguồn vốn mình bỏ ra mua rồi cũng bị “đông lạnh” chưa biết khi nào thu lại. Bình thường, hải sản cấp đông trong vòng nửa tháng mà xuất đi thì có lãi. Còn để cả tháng thì không còn gì. Để càng lâu, càng lỗ”- ông Huấn nói.

Dọc theo cầu cảnh Quỳnh Lập, tàu neo đậu san sát, không có cảnh xe cộ ra vào “ăn hàng” hay vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật tư phục vụ cho các chuyến tàu vươn khơi. Tàu, thuyền đậu thành dãy như “ngủ quên” bên cầu cảng. Được biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19, nguồn hải sản đánh bắt về rất khó tiêu thụ nên nhiều chủ tàu cũng không mặn mà vươn khơi.

Dịch Covid-19
Anh Phan Văn Tám (bên phải) chủ tàu cá đóng theo vốn vay Nghị định 67 kể lại khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đánh bắt. (Ảnh Cao Sơn)

Anh Phan Văn Tám, ở xóm Tâm Tiến, xã Quỳnh Lập, là chủ tàu cá đóng theo vốn vay Nghị định 67 của Chính phủ cho biết, bình thường, tháng nào anh cũng trả đúng hạn cho ngân hàng nhưng giờ đây, anh cũng phải khất nợ vì không có tiền trả cả gốc lẫn lãi.

“Mỗi tháng 2 lần đi biển, chi phí tiền dầu, thực phẩm, đá lạnh, nhân công,..hết gần 350 triệu đồng. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch, mỗi chuyến đi về bán cá cũng bị lỗ từ 20 đến 30 triệu đồng. Chuyến gần nhất, đi trong vòng 7 ngày, tàu tôi đánh được 17 tấn hải sản. Cập bờ, giá hải sản giảm 40%, chủ tàu phải bù lỗ 30 triệu đồng. Thù lao cho 10 người lao động cũng giảm xuống còn 2/3. Chưa kể, do nguồn lao động ngày càng khan hiếm, đánh bắt về không ăn chia theo khối lượng hải sản giữa người lao động và chủ tàu trước đây mà trả thù lao theo từng chuyến. Bất chấp kết quả đánh bắt như thế nào, chủ tàu phải chịu hết”- anh Tám cho hay.

Kho lạnh hết chỗ chứa

Xã Quỳnh Lập là một trong những địa phương có truyền thống đi biển. Trong xã có 2.700 hộ sinh kế bằng vươn khơi đánh bắt và hậu cần nghề cá. Theo thống kê, hiện nay, Quỳnh Lập là địa phương có số lượng tàu cá đăng ký và khai thác tại ngư trường Hoàng Sa nhiều nhất của tỉnh Nghệ An, với khoảng 140 tàu công suất lớn. Còn số lượng tàu đánh bắt gần bờ khoảng trên 40 chiếc.

Từ tháng 5/2021 đến nay, xã Quỳnh Lập nhiều lần thực hiện Chỉ thị 15 và 16 để chống dịch, việc đánh bắt và thu mua hải sản ở địa phương này bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Nho, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết, xã thực hiện Chỉ thị 16, 15 nhiều đợt nên trên 1.000 tấn hải sản ứ đọng trong 15 kho lạnh, gồm: mực, cá ngừ, cá hố, cá cơm… Hàng hải sản xuất khẩu cũng giảm xuống 30% nên bán ra chỉ hòa vốn hoặc bù tiền vật tư, nhiên liệu. Thị trường chủ yếu của người dân ở đây là Trung Quốc, một số tỉnh lân cận và thành phố Hồ Chí Minh nhưng dịch Covid-19 không xuất hàng được. Xã tạo mọi điều kiện để người đi bán lưu động nhưng đều phải quay về. Số ít ra được khỏi tỉnh theo “luồng xanh” thì đến nơi cũng không đưa vào được vì người dân nơi khác cũng sợ mang dịch đến.

Dịch Covid-19
Nhiều tàu cá neo đậu không ra khơi ở Cảng cá Quỳnh Lập. (Ảnh Cao Sơn)

Qua tìm hiểu được biết, thị xã Hoàng Mai có trên 1.000 tàu thuyền khai thác hải sản, bình quân mỗi tháng khai thác từ 3.500 đến 4.000 tấn hải sản các loại. Trên địa bàn có 70 kho đông, hiện đang còn tồn gần 5.000 tấn hải sản.

Ở huyện Quỳnh Lưu, tình trạng tồn kho đông còn khá nhiều. Các thị trường lớn là Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách nên phần lớn bạn hàng đã dừng giao dịch. Kho cấp đông của 40 hộ kinh doanh trên địa bàn tồn trên 1.500 tấn. Huyện đã tạo điều kiện cho các xe “luồng xanh” đi qua chốt thu mua hải sản cho ngư dân nhưng ít xe về thu mua hải sản.

Tại huyện Diễn Châu có gần 1.300 tàu thuyền đánh bắt cá, với 125 kho đông lạnh. Do nhiều chợ phải đóng cửa, người mua hạn chế nên hộ kinh doanh nhỏ cũng gặp khó khăn.

Tại thị xã Cửa Lò, hiện các kho đông lạnh trên địa bàn đang dự trữ khoảng 5.000 tấn hải sản các loại, như: mực, cá thu, cá chim, các mú, tôm, ghẹ,… Ngoài ra, tại phường Nghi Tân và phường Nghi Thủy, có 300 tấn cá lồng chủ yếu là cá vược và cá hồng Mỹ đã đến thời kỳ thu hoạch.

Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Cửa Lò cho biết, đối với khối lượng hải sản đang cất trong kho đông, nhiều hộ dân vẫn sẽ cố gắng bảo quản để chờ đến thời điểm hết dịch sẽ tiêu thu các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh. Thị xã đã gửi công văn cho những huyện, thành, thị tạo điều kiện cho các hộ dân tiêu thụ. Còn với 300 tấn cá lồng đang bước vào giai đoạn thu hoạch, nếu không xuất đi được sẽ tiêu tốn rất lớn nguồn thức ăn của các hộ chăn nuôi. Do vậy, Thị xã đã kết nối với các chủ lồng cá để có biện pháp thuyết phục khách hàng thu mua và gửi công văn cho nhiều địa phương để vận động tiêu thụ sản phẩm giúp cho các hộ nuôi cá lồng.

Được biết, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 3.500 tàu, thuyền đánh cá, với trên 17.000 lao động sống nhờ nghề đi biển. Hiện, trên 300 kho đông lạnh tồn đọng gần 15.000 tấn hải sản các loại, tập trung ở thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Khó khăn nhất hiện nay là các kho cấp đông trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đã đầy hàng, vì vậy việc mua hải sản tích trữ cho ngư dân khai thác càng khó khăn.

Cao Sơn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích