Địa phương cứng nhắc, sản xuất gỗ đình trệ

Sản xuất đình trệ

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu luôn dẫn đầu về kim ngạch trong các ngành kinh tế của tỉnh Bình Định. Đơn cử, năm 2020, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid – 19 trên toàn cầu, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ của Bình Định đạt 540 triệu USD, chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Bước sang năm 2021, dịch Covid – 19 ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, đến tháng 4/2021 thì bắt đầu diễn biến phức tạp trên địa bàn Bình Định.

Tuy nhiên, theo theo Cục Thống kê tỉnh Bình Định, trong 8 tháng đầu năm 2021, mặt hàng gỗ và sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của tỉnh này vẫn đạt khoảng 470,7 triệu USD, chiếm khoảng 53,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tại Bình Định, chỉ những doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ tại thành phố Quy Nhơn còn duy trì được 60 - 70% lực lượng lao động. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Tại Bình Định, chỉ những doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ tại thành phố Quy Nhơn còn duy trì được 60 – 70% lực lượng lao động. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), đến tháng 8/2021, 89 doanh nghiệp là thành viên của FPA Bình Định đang hoạt động trên địa bàn 9/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tạo việc làm ổn định cho hơn 25.000 lao động.

Với giá trị kim ngạch xuất khẩu luôn dẫn đầu trong các ngành kinh tế của tỉnh, và với lực hút số lượng lớn lao động, ngành chế biến gỗ được lãnh đạo tỉnh Bình Định đánh giá đã có đóng góp rất lớn vào ổn định xã hội.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn Bình Định đều bị đình trệ sản xuất do thiếu lao động. Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương quá cứng nhắc trong việc quản lý con người để phòng chống dịch Covid – 19.

Theo ông Thiện, hiện chỉ có những doanh nghiệp nằm trên địa bàn thành phố Quy Nhơn còn duy trì được khoảng 60 – 70% lực lượng lao động. Còn những doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Phù Cát thì hầu như phải dừng sản xuất. Bởi, dù nhiều xã, thị trấn ở huyện Phù Cát đã gỡ bỏ Chỉ thị 16, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, nhưng các xã vẫn “khóa cứng” việc đi lại của người dân, khiến những lao động làm việc cho những doanh nghiệp chế biến gỗ không thể đi làm.

Một số địa phương của thị xã An Nhơn, địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 cũng chưa tạo điều kiện cho người lao động đi làm. Ngoài thành phố Quy Nhơn, các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn 8 huyện, thị xã ở Bình Định đều lâm cảnh tương tự.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở các huyện, thị xã trên địa bàn Bình Định đang bị thiếu lao động trầm trọng. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Hiện hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở các huyện, thị xã trên địa bàn Bình Định đang bị thiếu lao động trầm trọng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nguy cơ phải bồi thường cho đối tác

Hiệp hội FPA Bình Định liên tục làm việc với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, về việc tạo điều kiện cho người lao động đi làm tại các doanh nghiệp chế biến gỗ, với phương thức cả địa phương lẫn doanh nghiệp cùng phối hợp kiểm soát dịch bệnh. Thế nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc này.

“Hầu hết các địa phương đều mang tâm lý nặng nề về trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19 mà quên đi “nhiệm vụ kép” của tỉnh là vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Thêm vào đó, trong thời gian dài người lao động không có việc làm, đồng nghĩa không có thu nhập, sẽ dẫn đến xáo trộn về mặt an sinh xã hội”, ông Lê Minh Thiện chia sẻ.

Cũng theo ông Thiện, từ nay đến cuối năm 2021 và bước sang quý I/2022, các đơn hàng đồ gỗ xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên FPA Bình Định còn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp đang lo làm không kịp đơn hàng phải bồi thường hợp đồng cho những đơn vị khách hàng nước ngoài. Thế nhưng do thiếu lao động, nên trong tháng 8 và tháng 9 sản lượng đồ gỗ xuất khẩu của Bình Định bắt đầu giảm mạnh. Nếu tình trạng thiếu lao động không được khắc phục, trong tháng 10 – 11 tới đây, sản lượng đồ gỗ xuất khẩu sẽ còn giảm nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, để giúp ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định tận dụng tốt thời cơ khi thị trường Mỹ và châu Âu bắt đầu phục hồi sau đại dịch, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan khẩn trương xem xét, giải quyết các kiến nghị của FPA Bình Định về những vấn đề liên quan đến công tác an toàn phòng dịch Covid – 19 trong sản xuất. Đối với những kiến nghị vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

“Thời cơ kinh doanh đến và qua rất nhanh, cho nên vấn đề quan trọng này cần được xử lý khẩn trương để hỗ trợ ngành gỗ vượt khó nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh tốt hơn”, ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đề nghị để doanh nghiệp tự chủ trong việc test nhanh kháng nguyên SARS - CoV - 2 cho công nhân theo từng tổ nhóm sản xuất, không test đại trà như quy định của ngành y tế. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đề nghị để doanh nghiệp tự chủ trong việc test nhanh kháng nguyên SARS – CoV – 2 cho công nhân theo từng tổ nhóm sản xuất, không test đại trà như quy định của ngành y tế. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Chủ tịch FPA Bình Định, vấn đề bức xúc nhất của các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay là vấn đề test nhanh sàng lọc SARS – CoV – 2 tại các doanh nghiệp đang sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”, kể cả những doanh nghiệp hoạt động tại các địa phương nằm trong “vùng xanh”, chưa phong tỏa. Doanh nghiệp phải gánh 1 khoản chi phí rất lớn mà bất hợp lý lại không đạt hiệu quả.

“Theo quy định của ngành y tế, những doanh nghiệp hoạt động trên những địa bàn “vùng xanh” buộc phải đảm bảo test nhanh sàng lọc SARS – CoV – 2 đạt từ 20 – 25% số lao động. Quy định này ban hành đã lâu rồi, đến thời điểm này không còn phù hợp, không thiết thực. Việc này nên giao cho doanh nghiệp chủ động tùy theo điều kiện thực tế, test sàng lọc theo từng tổ nhóm sản xuất chứ không test đại trà, vừa đỡ tốn chi phí vừa đạt hiệu quả hơn”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định.

Xem tại đây ./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích