Di tích lịch sử Cầu Gãy
(Xây dựng) – Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh.
Tuy phá huỷ một phần từ năm 1975 nhưng Cầu Gãy vẫn đảm nhiệm vụ kết nối giao thông hai bên bờ sông Bé cho đến năm 1992. |
Từ chứng tích hào hùng gần 100 năm tuổi
Vốn tên gọi cầu Sông Bé bắc qua phụ lưu sông Đồng Nai, nối liền 2 xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, cây cầu được Pháp xây dựng những năm 1925 – 1926 nhằm khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại Phú Giáo, Phước Long…
Cái tên Cầu Gãy được người dân nơi dây bắt đầu gọi từ sau ngày 29/4/1975, khi quân địch tìm đường rút chạy. Để tránh bị truy kích từ bộ đội ta, chỉ huy trung đội biệt kích ngụy tại Phước Vĩnh đã cho đặt mìn phá hủy phần giữa cây cầu.
Lịch sử ghi lại rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phong trào đấu tranh của công nhân cao su nơi đây rất mạnh mẽ. Hơn 5.000 công nhân liên kết lại, đòi độc lập dân tộc, thực dân Pháp đàn áp dã man, nhiều cuộc biểu tình bị dồn trong biển máu. Nhà tù mọc lên bên rừng cao su. Cầu Sông Bé đã có lúc thành đoạn đầu đài, những nhịp bê tông hóa cọc xử bắn. Dòng Sông Bé đã có ngày là huyệt mộ sâu của những người theo cách mạng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cầu Sông Bé là tuyến giao thông huyết mạch của chính quyền Sài Gòn. Nơi đây đã biến thành điểm xử bắn các đồng chí, đồng bào hoạt động cách mạng, rồi đẩy xác xuống sông. Trước sự đàn áp của quân thù, Nhân dân ta vẫn kiên cường đứng lên đấu tranh, lúc này cầu Sông Bé trở thành cửa ngõ chiến khu Đ.
Ông Đỗ Quang Uông sống ngay chân Cầu Gãy cho biết, vợ chồng ông vào khai hoang khu đất ngay chân cầu này từ năm 1984. Tuy không chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh nơi đây như lịch sử đã ghi lại. Nhưng khi khai hoang vùng đất này, hàng ngày chúng tôi vẫn nhặt hàng thúng bom mìn các loại chưa kể dây kẽm gai (thép gai) và các loại đạn khác…
Tiếp lời, bà Phương vợ ông Uông kể: Những năm đầu về đây sinh sống tôi không biết mìn có hình thù thế nào, cuộc sống khó khăn nên chúng tôi nhặt dây kẽm gai, vỏ bom đạn để bán ve chai kiếm tiền sinh sống. Có lần nhặt được cả bao tải, mang đến chỗ thu mua, đổ ra mọi người tá hỏa chạy toán loạn vì thấy toàn mìn chưa nổ. Cũng vì những quả mìn còn lại ấy mà chúng tôi đã mất một đứa cháu, hai đứa cụt chân, còn một đứa bị thương nặng, tất cả chỉ vì tưởng mìn là cục đá nên lấy ném nhau chơi”.
Bà Phương cũng cho biết, sau khi miền Nam giải phóng, Nhà nước đã nối Cầu Gãy để người dân lưu thông cho đến khi có cây cầu Phước Hoà thì cầu Gãy trở thành chứng tích lịch sử được du khách yêu thích. Năm 1992, Nhà nước tháo khung sắt nối, trùng tu và trả lại hiện trạng như ngày nay.
Cầu Gãy là một di tích lịch sử vô cùng quý giá, là niềm tự hào của người dân Bình Dương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Cầu Gãy có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của dân tộc.
Đến điểm then chốt trên con đường huyết mạch kinh tế DT741
Cầu Gãy không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là điểm kết nối kinh tế vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 03/7/2012, cầu Sông Bé đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh và nơi đây đã trở thành địa điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Ông Uông chia sẻ, từ khi về đây sinh sống, gia đình ông đã chứng kiến rất nhiều các đoàn tham quan du lịch, các đoàn làm phim trong nước và nước ngoài về quay tư liệu. Bên cạnh đó, rất nhiều các cựu chiến binh về để thăm lại chiến trường xưa, nơi họ chiến đấu một thời.
“Trước Tết 2024, khách tham quan tập trung về đây đông lắm, nhất là vào dịp cuối tuần và ngày lễ lớn như 30/4, ngày 02/9… Cũng nhờ vào đó mà quán cà phê của gia đình mở ra cũng có được nguồn thu tốt, nâng cao thu nhập. Khách lẻ chủ yếu là giới trẻ đến để chụp hình vì khung cảnh và phần còn lại của cầu rất đẹp. Khách đoàn phần lớn là các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, cũng có cả đoàn làm phim từ Nga về để quay phim, họ ở lại đến cả 20 ngày…”, ông Uông hào hứng kể.
Cầu Gãy hay cầu Sông Bé không chỉ thể hiện giá trị lịch sử tiêu biểu cho một vùng đất, một thời kỳ đấu tranh cách mạng oanh liệt của quân và dân nơi đây, mà còn là điểm then chốt nằm trên tuyến đường huyết mạch kinh tế DT741 (tỉnh lộ 741).
Theo đó, đường DT741 có tiền thân là một phần của QL14 cũ. Đó là con đường liên kết, giao thương kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Dương với Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, với tổng chiều dài 198 km. Điểm đầu là ngã tư Sở Sao (giao với QL13) thuộc địa phận TP Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát, đi qua các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), các huyện thị Đồng Phú, Đồng Xoài, Phú Riềng, Phước Long, Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) và điểm cuối giao với tỉnh lộ 686 tại thôn 2, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông).
Bên cạnh đó, dọc theo hai bên đường DT741 là các khu công nghiệp có quy mô lớn như KCN Vsip 2, KCN Vsip 2 mở rộng, KCN Đài Loan… Đây cũng là những KCN hàng đầu Bình Dương, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài với quy hoạch đạt chuẩn Singapore. Tuyến đường này còn hội tụ các cụm công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 với quy mô lên tới hơn 2.000 ha, liền kề là KCN Tân Bình tiềm năng.
Ngoài ra, đường DT741 ngoài chức năng quan trọng kết nối các khu đô thị, KCN tỉnh Bình Dương, còn xuyên suốt qua tỉnh Bình Phước tạo đà cho sự phát triển của các KCN tại địa bàn tỉnh như: KCN Nam Đồng Phú, KCN Bắc Đồng Phú…
Đường DT741 còn kết nối tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM (tuyến đường xuyên suốt 5 tỉnh: Bình Dương – Đồng Nai – TP.HCM – Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu); QL14 đi các tỉnh Tây Nguyên; Đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn… Giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đến Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Sân bay Quốc tế Long Thành và các cảng biển, cảng sông trong vùng…
Là người hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường ĐT741 này, ông Hoàng Quốc Bình chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Vĩnh Hoà, huyện Phú Giáo cho biết, trước kia, khi chưa có cầu Phước Hòa, mỗi lần vận chuyển vật liệu cho các xã ở bên kia sông rất tốn thời gian vì phải đi qua Cầu Gãy khá chật hẹp, do chỉ đủ một làn xe đi làm thời gian vận chuyển lâu. Khi Nhà nước cho mở rộng đường, xây cầu Phước Hòa, việc vận chuyển hàng hóa đến các địa bàn trở nên thuận lợi hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí vận chuyển.
Nguồn: Báo xây dựng