Dệt may, da giày chủ động thích ứng, hướng tới xuất khẩu bền vững

(Xây dựng) – Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp dệt may, da giày vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội hướng tới xuất khẩu bền vững.

Dệt may, da giày chủ động thích ứng, hướng tới xuất khẩu bền vững
Doanh nghiệp dệt may, da giày cần phải chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội hướng tới xuất khẩu bền vững.

Thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 20 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù so với mức tăng chung của cả nước còn thấp, song đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi chậm.

Mới đây, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích, ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Hiệp hội để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.

Mục tiêu của ngành dệt may là tiếp tục đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh vai trò chính của doanh nghiệp thì những thông tin của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng để ngành hàng kịp thời nắm bắt diễn biến mới của thị trường.

Dệt may, da giày chủ động thích ứng, hướng tới xuất khẩu bền vững
Mục tiêu của ngành dệt may là tiếp tục đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Cũng theo ông Cẩm, hiện nay ngành dệt may của Việt Nam không chỉ gặp phải sự cạnh tranh của các thị trường xuất khẩu khác, mà còn đối mặt với những tiêu chuẩn, những biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu. Những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU đưa ra những quy định rất khắt khe về xanh hóa, bảo vệ môi trường. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ có đạo luật chống lao động cưỡng bức; hay Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU bắt đầu có hiệu lực. Đây là cảnh báo rất thiết thực với doanh nghiệp.

Đáng chú ý, thời gian qua, rất nhiều nhãn hàng, tập đoàn bán lẻ lớn đứng trên bờ phá sản hoặc đã nộp đơn phá sản là vấn đề tác động lớn tới doanh nghiệp. Do đó, những cảnh báo của thương vụ rất cần thiết, để doanh nghiệp tránh được thiệt hại càng nhiều càng tốt.

“Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất, sản phẩm cần nguồn kinh phí rất lớn. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có chính sách về tín dụng xanh và hỗ trợ nhất định về lãi suất, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp xây dựng phương án chuyển đổi xanh”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam cho rằng, ngành da giày cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày cũng có nhiều khởi sắc rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu đạt 12,8 tỷ tăng hơn 10%, dự kiến cả năm, ngành sẽ đạt kim ngạch 26-27 tỷ USD năm 2024.

Về thị trường xuất khẩu, Ấn Độ là thị trường lớn của ngành. Tuy nhiên, xuất khẩu da giày sang thị trường này vẫn có nhiều vướng mắc. Các nhà máy khi xuất khẩu vào Ấn Độ buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp tại nhà máy và phải được cấp giấy chứng nhận thì mới có thể xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, quá trình cấp phép gặp vướng mắc, kéo dài thời gian. Do đó, đại diện Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam kiến nghị, cần có sự hỗ trợ sâu sát của thương vụ để doanh nghiệp đẩy nhanh được thủ tục này.

Dệt may, da giày chủ động thích ứng, hướng tới xuất khẩu bền vững
Ngành dệt may và da giày đã kiến nghị Bộ Công Thương thành lập và phát triển trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

Ngoài ra, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nếu như trước đây, các hoạt động về phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưza ra và mang tính khuyến khích, thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn. Điển hình như, thị trường EU đã đưa ra một loạt chính sách mới về sản phẩm sinh thái, hay là trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, tái chế, đặc biệt là yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon…

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuânzzz, tất cả những quy định này nhằm tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành. Song những chính sách này đang tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng, tạo ra thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam.

Được biết, hai ngành dệt may và da giày đã kiến nghị Bộ Công Thương thành lập và phát triển trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Điều này sẽ góp phần giải quyết vấn đề về truy xuất chuỗi cung ứng, yếu tố quan trọng để xuất khẩu thành công.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích