Đến năm 2037: Hưng Yên phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 31/8, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hưng Yên xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những khâu đột phá. Trong đó, có 3 trục dọc gồm: Trục trung tâm là tuyến đường kết nối đường cao tốc Hà Nội -Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; Trục phía Đông là tuyến đường Tân Phúc – Võng Phan kết nối nút giao đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với tỉnh Thái Bình.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên phát biểu tại phiên họp (Ảnh: CTTĐT Hưng Yên) |
Trục phía Tây là tuyến đường kết nối di sản, văn hóa, du lịch – phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Ngoài ra, tỉnh xây dựng 8 trục ngang nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đến năm 2037, tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 3 quận, 2 thành phố, 5 thị xã.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, quan điểm phát triển của tỉnh trong thời gian tới là phát triển dựa vào khai thác các lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh; phát triển nhanh, tạo bước đột phá trên cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn, hình thành các khu chức năng quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại; phát triển bền vững, bao trùm, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình hội nhập quốc tế; phát triển Hưng Yên theo hướng đô thị xanh, thông minh, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…
Là một trong 10 địa phương thuộc Vùng Thủ đô nên quy hoạch tỉnh Hưng Yên bám sát quy hoạch chung của toàn Vùng để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Thủ đô (Ảnh: Mô hình khu đô thị huyện Văn Giang) |
Để thực hiện đạt các mục tiêu trong phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2021-2030, tỉnh Hưng Yên xác định 3 đột phá chiến lược gồm: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy giá trị văn hóa để phát triển…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện các góp ý của các thành viên trong hội đồng và các ý kiến trong dự thảo báo cáo thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn: Báo lao động thủ đô