Đến năm 2025, các bãi xử lý rác tạm tại huyện Phù Cát phải đóng cửa
Đến năm 2025, các bãi xử lý rác tạm tại huyện Phù Cát phải đóng cửa
Mặc dù UBND các xã, thị trấn và các phòng, ban liên quan của huyện Phù Cát, Bình Định có nhiều cố gắng, nhưng công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện còn không ít khó khăn.
Theo Phòng TN&MT huyện Phù Cát, đến nay, Hạt Giao thông công chính huyện Phù Cát thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Ngô Mây, xã Cát Trinh, Cát Hanh, Cát Tân (dọc tuyến QL 1 và các khu vực trung tâm xã) và một phần xã Cát Tường (dọc tuyến tỉnh lộ 635). Hiện đơn vị này sử dụng 4 xe ép rác chuyên dụng thu gom với tần suất từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần. Khối lượng rác thu gom mỗi ngày hơn 50 tấn và được vận chuyển về Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung huyện Phù Cát (thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp) xử lý.
Bên cạnh đó, tại thị trấn Cát Tiến và xã Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Hải, Cát Chánh, Cát Thắng, chính quyền các địa phương ký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Cát Tiến (trụ sở tại thị trấn Cát Tiến) thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt. Đơn vị này trang bị 2 xe ép rác chuyên dụng, thu gom với tần suất 2 lần/tuần/địa phương.
Riêng 7 xã còn lại của huyện Phù Cát chưa có dịch vụ thu gom rác chuyên nghiệp “phủ sóng”, các địa phương giao các HTX nông nghiệp thực hiện thu gom và xử lý tại bãi chôn lấp tạm của mỗi xã. Theo ông Nguyễn Bá Quang, Chủ tịch UBND xã Cát Tài, do chưa có xe chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác thải nên công tác này còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, về lâu dài, các bãi chôn lấp rác tạm sẽ không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, tại một số xã khu Đông của huyện Phù Cát như Cát Chánh, Cát Hải, việc thu gom rác thải sinh hoạt chưa được như mong muốn dù đã có dịch vụ thu gom chuyên nghiệp. Đơn vị thực hiện thu gom chưa thể tăng tầng suất từ 2 lần lên 3 lần/tuần như quy định của UBND huyện Phù Cát. Đặc biệt, một bộ phận không ít người dân chưa có ý thức đối với công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Theo ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải : Công tác tuyên truyền, vận động về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương còn hạn chế; chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân; chưa có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy thôn, trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã đạt thấp; các biện pháp xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn còn chưa đạt.
Ông Tạ Công Thượng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Phù Cát cho biết, UBND huyện đã và đang triển khai kế hoạch mở rộng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt về các xã còn lại trên địa bàn huyện. Lộ trình tới năm 2025, các bãi xử lý rác tạm trên địa bàn huyện Phù Cát phải đóng cửa; rác thải tại các địa phương sau khi thu gom được vận chuyển về xử lý tại Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung huyện Phù Cát. UBND huyện tiếp tục đầu tư mở rộng Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung của huyện để đáp ứng nhu cầu xử lý khi đóng cửa các bãi rác tạm.
Còn theo ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng tần suất thu gom rác thải; rà soát các điểm tập kết rác thải tự phát và ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị thu gom rác thải tại từng địa phương để thu gom, xử lý. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn duy trì hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải định kỳ tối thiểu 1 lần/tuần.
Bên cạnh đó, Phòng TN&MT huyện Phù Cát phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện khảo sát, triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn tại một số địa phương trong năm 2023. Tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý riêng các loại chất thải sau khi người dân thực hiện phân loại; làm cơ sở nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn trong những năm tiếp theo.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị