Đến bao giờ 100% người dân nông thôn được dùng nước sạch?
Tỷ lệ tiếp cận nước sạch còn thấp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 57 triệu người (88,5%), trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế đạt khoảng 33 triệu người (51,7%) với 41,6% từ công trình cấp nước tập trung và 10% từ công trình cấp nước qui mô hộ gia đình.
Các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa để tạo thêm nguồn cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn. (Ảnh chụp trước khi giãn cách xã hội). Ảnh: Tuấn Anh |
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân nông thôn tiếp cận được nước sạch đạt quy chuẩn còn thấp so với mục tiêu đề ra, hiện cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Mức độ tiếp cận của người dân vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.
Đối với Thủ đô Hà Nội, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đã đạt khoảng 78% so với kế hoạch là 85%. Các khu vực có tỷ lệ người dân dùng nước sạch thấp là các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Phú Xuyên và Đan Phượng. Riêng đối với huyện Đan Phượng, đã có hàng trăm hộ dân đã chấp nhận giao đất nông nghiệp để xây dựng một nhà máy nước sạch.
Ở huyện Chương Mỹ trước đây có tới 6 công trình cấp nước sạch với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang trong nhiều năm. Nhiều trạm cấp nước do Nhà nước đầu tư 60% kinh phí nhưng địa phương không huy động được người dân đóng góp nên lại dở dang. Một số công trình cấp nước khác ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Mỹ Đức nay cũng đã bị hư hỏng do đầu tư xây dựng chưa đồng bộ.
Theo khảo sát của phóng viên, một số nơi hiện nay vẫn thường xuyên tích trữ nguồn nước mưa, lọc qua các phương pháp thủ công để sử dụng trong sinh hoạt. Còn một số khu vực ngoại thành khác tuy vẫn có nước giếng, nhưng không thể dùng được vì nước bị ô nhiễm. Theo tìm hiểu, mỗi giếng khoan có giá từ 25 đến 30 triệu đồng, tùy vào độ sâu của giếng và tầng địa chất ở khu vực. Có giếng phải khoan sâu tới 70 mét, có nhà phải khoan đến 4 lần vẫn chưa thấy nước…
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Đến nay, 100% dân số khu vực nông thôn của Hà Nội được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó, 85,1% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Còn tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung và mở rộng hệ thống nước sạch đô thị ra khu vực nông thôn là 45,7% (2.024.614 người/528.931 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận nước sạch từ các hệ thống cấp nước khoảng 78%); tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình 39,4% (1.745.510 người/455.973 hộ).
Khu vực nông thôn thành phố Hà Nội hiện nay được đầu tư xây dựng 119 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 84 công trình đang hoạt động cung cấp nước ổn định cho khoảng 88.000 hộ gia đình (khoảng 400.000 người dân nông thôn). Ngoài ra, mạng cấp nước đô thị cho khu vực nông thôn theo hình thức xã hội hóa có 5 dự án cấp nguồn hoàn thành. Tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đạt khoảng 1.520.000m3/ngày đêm, tăng 623.000m3/ngày đêm so với năm 2016.
Việc triển khai các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa đã đem lại những kết quả nhất định. Đáng chú ý, một số huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm… đã triển khai lắp đặt hệ thống mạng truyền dẫn phân phối cơ bản trên toàn địa bàn.
Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu 85% tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn hiện còn một số khó khăn, vướng mắc do việc đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước cho khu vực nông thôn có chi phí lớn hơn nhiều so với khu vực đô thị. Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã báo cáo thành phố thực hiện điều chỉnh phạm vi một số dự án cấp nước chậm triển khai để nâng tỷ lệ bao phủ cấp nước khu vực nông thôn.
Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất thành phố tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước đã được Ủy ban nhân dân Thành phố giao thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch năm 2021. Thực hiện điều chỉnh phạm vi cấp nước ở một số dự án đã giao nhà đầu tư triển khai nhưng tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian tới, Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực đối với vùng khó khăn và hướng dẫn thực hiện để tránh hiện tượng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một số địa phương. Sử dụng hài hòa nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, dự án vay vốn ưu đãi nước ngoài, nguồn vốn vay tín dụng để đạt được các mục tiêu đề ra. |
Theo đó, tại khu vực huyện Sóc Sơn, giao Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Anh triển khai dự án cấp nước cho 7 xã: Tân Dân, Thanh Xuân, Hiền Ninh, Minh Phú, Minh Trí, Phú Cường, Quang Tiến. Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội triển khai thực hiện cấp nước tại các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ.
Khu vực huyện Đông Anh, giao Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội triển khai thực hiện cấp nước tại xã Cổ Loa. Khu vực huyện Thường Tín, giao Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam nghiên cứu triển khai thực hiện mở rộng cấp nước từ Thanh Trì và Phú Xuyên cho huyện Thường Tín. Khu vực huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, giao Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam nghiên cứu triển khai thực hiện. Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì triển khai cấp nước cho các xã còn lại của huyện Ba Vì…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian tới, Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực đối với vùng khó khăn và hướng dẫn thực hiện để tránh hiện tượng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một số địa phương. Sử dụng hài hòa nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, dự án vay vốn ưu đãi nước ngoài, nguồn vốn vay tín dụng để đạt được các mục tiêu đề ra.
Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa thị trường cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa không chỉ tại những vùng thuận lợi mà còn hướng tới những vùng khó khăn để thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và nhanh chóng giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch, đảm bảo đời sống tốt hơn./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô