Đèn bàn thông minh phát hiện, cảnh báo khi ngồi sai tư thế

Theo thông tin từ Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm (Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ – Bộ KH&CN), hiện nay, cận thị và các tật cong vẹo cột sống do ngồi sai tư thế đang ngày càng trở nên phổ biến với lứa tuổi học sinh và các nhân viên văn phòng. Người ngồi sai tư thế dẫn đến tư thế ngồi xấu, lâu ngày sẽ tạo thói quen và dẫn đến ảnh hưởng tới cột sống.

Với thực trạng như này cần thiết phải có phương pháp phát hiện và cảnh báo kịp thời với người ngồi để giúp có tư thế ngồi phù hợp, phòng chống dị tật phát sinh. Hiện cũng đã có phương pháp và thiết bị phát hiện ngồi sai tư thế hiện có trên thị trường như ghế phát hiện ngồi sai tư thế và thiết bị cảm biến phát hiện ngồi sai tư thế. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn những bất cập cần nghiên cứu cải tiến cho phù hợp với từng đối tượng sử dụng.

Các tư thế ngồi khi học và làm việc. Ảnh minh họa

Người cần làm việc trong thời gian dài thường có xu hướng trượt cơ thể về phía trước do mệt mỏi mà có thể không biết về tư thế sai của mình, điều này khiến cấu trúc cơ thể bị lệch, căng cơ, phát sinh các vấn đề liên quan đến lưng, cột sống, đồng thời khi tư thế bị sai, mắt đọc cũng sẽ quá gần với tài liệu hoặc đối tượng để trên bàn dẫn đến mỏi mắt và các bệnh về mắt. Việc phát hiện và cảnh báo tư thế sai đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, áp dụng tư thế ngồi đúng có thể giúp giảm tình trạng cận thị, cong vẹo cột sống.

Đối với phương pháp sử dụng ghế phát hiện ngồi sai tư thế có một số nhược điểm: hệ thống lắp đặt phức tạp, độ bền phụ thuộc vào cảm biến gắn trên ghế, khi sử dụng cần lắp pin hoặc cắm điện gây bất tiện cho người ngồi. Đối với phương pháp phát hiện ngồi sai tư thế dùng thiết bị cảm biến (hồng ngoại, áp suất,…), do chiều cao, kích thước, trọng lượng người dùng khác nhau, nên cần phải linh hoạt được với từng đối tượng cụ thể, khi sử dụng thường xuyên phải điều chỉnh nên độ chính xác sẽ không cao, gây bất tiện cho người sử dụng.

Nhận thấy những vấn đề bất cập trên, TS. Phạm Minh Triển, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự đã nghiên cứu, phát triển đèn bàn thông minh phát hiện sai tư thế ngồi và cảnh báo sai tư thế trong thời gian thực mà không cần ghế chuyên dụng.

Quy trình hoạt động của hệ thống đèn bàn thông minh phát hiện tư thế ngồi và phát tín hiệu cảnh báo khi ngồi sai tư thế. Ảnh tác giả cung cấp

TS. Phạm Minh Triển cho biết, đèn bàn thông minh phát hiện tư thế ngồi và phát tín hiệu cảnh báo khi người ngồi sai tư thế hoạt động theo các bước như sau: Hình ảnh người ngồi (1) được ghi lại bởi cảm biến hình ảnh đặt ở giữa bàn; dữ liệu được phân tích và xử lý kết hợp với dữ liệu trên đám mây (cloud) tại máy tính nhúng (3) chạy hệ điều hành Linux thông qua chuẩn giao tiếp USB: hình ảnh thu từ camera RGB-D (2) có độ phân giải 640×480 pixel, tốc độ chụp 30 khung hình/giây; trích xuất thông tin người ngồi (1) thành thông tin tư thế ngồi (5) bao gồm các số liệu về cột sống, đầu và cổ của người ngồi; các tư thế sai của người ngồi (1) khi được phát hiện sẽ phát tín hiệu cảnh báo qua loa (6) và màn hình LCD (7); sau thời gian làm việc liên tục 30 phút, hệ thống sẽ nhắc nhở và tự động tắt để người dùng (1) rời khỏi bàn làm việc nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng trong vòng 5 phút, sau đó hệ thống sẽ bật lại khi phát hiện người ngồi (1) đã quay trở lại vị trí.

Về thương mại hoá sản phẩm sau khi nghiên cứu, TS. Phạm Minh Triển cho biết, hiện nay sản phẩm đã hoàn thiện sẵn sàng có thể chuyển giao công nghệ sản xuất này cho các đối tác có nhu cầu. Được sự hỗ trợ tư vấn của Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ về phân tích các thông tin sáng chế liên quan, xây dựng bản mô tả và hồ sơ đăng ký sáng chế, hệ thống đèn bàn thông minh này đã nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ năm 2019.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích