Để xứng đáng vai trò đầu tàu
Phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 27/11/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP HCM Phan Văn Mãi cho biết: Tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố cả năm 2022 ước tăng trên 9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra, có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.
Kinh tế TP HCM phát triển nhanh nhờ khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất. |
Hầu hết các lĩnh vực trong năm 2021 tăng trưởng âm thì nay đều tăng trưởng khá nhanh như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 9,77%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,49% (cùng kỳ giảm 5,45%), khu vực dịch vụ tăng 9,88% (cùng kỳ giảm 3%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 14,3%), doanh thu ngành du lịch ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm năm 2021 và tăng 33,33% so với kế hoạch năm 2022; tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.410.700 tỷ đồng, tăng 8,50% so với cuối năm 2021.
Tại buổi làm việc với TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thành phố tập trung dành nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. TP HCM cần đi đầu về đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung vào các ngành nghề mới nổi, chuyển đổi số, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đồng thời phải làm tốt công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quan tâm phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế; phát triển công nghiệp văn hoá gắn với thúc đẩy du lịch. |
Nhiều chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã phát huy hiệu quả như Chương trình cho vay các DN trong khu chế xuất – khu công nghiệp đạt 214.108 tỷ đồng, chương trình bình ổn thị trường đạt 965,3 tỷ đồng, chương trình kết nối ngân hàng – DN đã thực hiện được với số tiền hơn 367.000 tỷ đồng, số DN thành lập mới ước đạt con số 43.000 với số vốn đăng ký mới ước đạt 500.000 tỷ đồng, vốn đăng ký bổ sung ước đạt 550.000 tỷ đồng…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận và đánh giá cao tốc độ phục hồi, phát triển của Thành phố, đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Từng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước bởi dịch Covid-19, đến nay kinh tế – xã hội TP HCM đạt được những kết quả “đáng kinh ngạc” khi GRDP năm 2022 ước tăng hơn 9%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước của Thành phố ước đạt 457.500 tỷ đồng (chiếm 1/3 tổng thu ngân sách cả nước), vượt 18,4% dự toán được giao và tăng hơn 17% so với cùng kỳ. An sinh xã hội được quan tâm, hoạt động đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Kỳ vọng lớn lao
Những kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 là tiền đề vô cùng quan trọng để TP HCM vững tin bước vào năm 2023. Tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra ngày 30/11/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Nhiệm vụ năm 2023 sẽ rất nặng nề, đòi hỏi tiếp tục thích ứng linh hoạt, chủ động, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, với những giải pháp sáng tạo hơn, năng động hơn, chủ động hơn để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển mạnh hơn nữa. Năm 2023, Thành phố sẽ thực hiện chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”, đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5% – 8%.
Diện mạo hiện đại, năng động mang đậm đặc trưng sông nước của TP HCM. |
Theo UBND TP HCM, trong năm 2023 Thành phố đề ra 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 8%; giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người; giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo và 0,28% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Nhiều giải pháp mà Thành phố sẽ triển khai như chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế – xã hội; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng quy hoạch Thành phố, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị.
Đồng thời tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm. Triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực; đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đặc biệt, ngày 2/12, tại cuộc họp về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM. Theo đó, đến năm 2030, TP HCM là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng để TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn.
Nguồn: Báo lao động thủ đô