Đề xuất xây dựng Luật thuế bất động sản

Đề xuất xây dựng Luật thuế bất động sản

Tuệ An –  Thứ tư, 08/02/2023 15:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Luật thuế bất động sản chung sẽ được xây dựng, thay thế cho Luật sử dụng đất nông nghiệp và Luật sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay.

Bộ Tư pháp đang đề xuất Chính phủ xây dựng dự án Luật thuế bất động sản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung dự án Luật thuế bất động sản vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Theo đề xuất, Luật thuế bất động sản dự kiến sẽ tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế nhằm đảm bảo đơn giản, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đáng chú ý, việc đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần để đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ áp thuế suất cao với nhà, đất lấn chiếm; bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng; nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích.

Theo Bộ Tư pháp, thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở hiện được quy định là từ 0,03 – 0,15%. Mức thuế suất này chưa đủ lớn để điều tiết mạnh đối với người có quyền sử dụng nhiều đất đai.

Việc nâng mức thuế suất đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh) là cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng lộ trình, tiếp cận từng bước, không nên tạo cú sốc đột ngột đối với thị trường bất động sản.

tm-img-alt
Luật thuế bất động sản dự kiến sẽ tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)

Hiện nay, nhà ở được xem là một khoản đầu tư vào đất. Song với thực tế, nhà nước khuyến khích việc xây dựng nhà ở và công trình xây dựng, tránh để đất bỏ hoang, không tận dụng hết giá trị sử dụng của đất. Khi thực hiện đánh thuế bất động sản đối với nhà ở, cần thiết loại bỏ các loại nhà ở có mức đầu tư thấp (nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, nhà bán kiên cố) ra khỏi phạm vi điều chỉnh để tránh gây gánh nặng thuế đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hoặc nhà chất lượng thấp, thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Đối với nhà chung cư (bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư), cơ quan soạn thảo định hướng quy định ngưỡng chịu thuế đảm bảo điều tiết thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà chung cư bình dân; không ảnh hưởng tới cung – cầu thị trường bất động sản và hạn chế tác động đến phân khúc căn hộ bình dân. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế. Thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp (mức giá trên 50 triệu đồng/m2) góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.

Hiện nay, giá tính thuế cho nhà chung cư được xác định bao gồm cả giá trị đất và giá trị nhà. Theo đó, để đảm bảo công bằng với đất ở, nhà ở riêng lẻ, đề nghị quy định mức thuế suất đối với nhà chung cư được áp dụng từ giá trị đầu tiên, nhưng mức thuế suất sẽ thấp hơn đối với đất.

Bộ Tư pháp phân tích, kết quả rà soát Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho thấy cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật thuế bất động sản chung thay cho Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, Luật thuế bất động sản là dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn (đối tượng điều chỉnh là đất, nhà và công trình xây dựng nên có phạm vi và tác động đến toàn thể người dân và doanh nghiệp trên cả nước), nhiều nội dung mang tính kỹ thuật (như nội dung về giá tính thuế, thuế suất).

Bên cạnh đó, lĩnh vực thuế là lĩnh vực nhạy cảm (việc tăng mức thuế suất đối với đất và bổ sung đánh thuế đối với nhà, công trình xây dựng tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp).

Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Tư pháp Báo cáo, các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung tại báo cáo nêu trên mặc dù được tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thực tiễn quản lý thuế. Tuy nhiên, chưa được xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bộ Tài chính sẽ xin ý kiến rộng rãi khi xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến khi xây dựng và trình Luật ở bước tiếp theo.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích