Đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên Mũi Dù – Núi Cấm tại Khánh Hoà

Đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên Mũi Dù – Núi Cấm tại Khánh Hoà

Nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên cấp tỉnh mũi Dù – núi Cấm (tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà) kết hợp các giá trị về sinh học và văn hóa.

Đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên Mũi Dù - Núi Cấm tại Khánh Hoà
Mũi Dù có các vách đá được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích bị uốn nếp rất đặc trưng nhô ra sát biển. Ảnh: ST

Đề xuất là một trong những kết quả quan trọng của đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu, đánh giá đặc điểm, cảnh quan, địa mạo – địa chất, tài nguyên sinh vật khu vực mũi Dù – núi Cấm và biển liền kề thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, đề xuất phương án quản lý, bảo tồn, khai thác hợp lý”.

Đề tài do Thạc sĩ Phạm Bá Trung – Viện Hải dương học làm chủ nhiệm và vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hoà tổ chức nghiệm thu hôm qua 10/1/2024.

Theo thông tin được chia sẻ, các nhà nghiên cứu đã xác định được thành phần vật liệu chính của khu vực mũi Dù – núi Cấm là đá trầm tích, chịu tác động của các hoạt động kiến tạo nên đã hình thành các mũi đá nhô, vách đá trầm tích và gỗ hóa thạch.

Đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên Mũi Dù - Núi Cấm tại Khánh Hoà
Hóa thạch gỗ silic được phát hiện ở khu vực mũi Dù – Núi Cấm. Ảnh: ST

Đặc biệt, tuổi của các trầm tích cách đây khoảng 174,1 – 182,7 triệu năm. Các đá trầm tích có dạng địa hình đặc trưng, có ý nghĩa rất lớn đối với nghiên cứu và học tập về quá trình hình thành bờ biển trong khu vực mũi Dù – núi Cấm.

Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu cũng đã xác định được tài nguyên sinh vật thuộc khu vực mũi Dù – núi Cấm với nhiều hệ sinh thái đa dạng như san hô, rong biển, vùng triều bờ đá…

Từ những kết quả giá trị trên, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên cấp tỉnh thuộc “Di sản địa chất kiểu A”, kết hợp các giá trị về sinh học và văn hóa nhằm phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ cảnh quan và các di sản thiên nhiên cho tỉnh Khánh Hòa…

Đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên Mũi Dù - Núi Cấm tại Khánh Hoà
Khu vực Mũi Dù thuộc núi Cấm, là điểm cực đông của thị xã Ninh Hòa. Ảnh: ITN

Khu vực Mũi Dù thuộc núi Cấm, là điểm cực đông của thị xã Ninh Hòa. Nơi đây có các vách đá được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích bị uốn nếp rất đặc trưng nhô ra sát biển và ngay trên bề mặt bãi triều. Trong các lớp trầm tích, bằng mắt thường thấy rất nhiều hóa thạch có niên đại cách đây khoảng 174 triệu năm.

Đó là các hóa thạch gỗ và cúc thạch (ammonite) và nhiều hóa thạch khác, Đặc biệt, các hóa thạch gỗ không những lộ trên đất liền ven chân núi mà còn lộ ngay trên bề mặt bãi đá do sóng vỗ mài mòn, hiếm nơi có được. Xen kẽ với các mũi, bãi đá có hai bãi cát dài vài trăm mét với cát thô lẫn vụn san hô trắng. Vì vậy, khu vực này có giá trị về mặt khoa học, giáo dục truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn các giá trị khoa học, văn hóa và địa chất.

Đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên Mũi Dù - Núi Cấm tại Khánh Hoà
Các hóa thạch có niên đại hàng triệu năm tồn tại trong các trầm tích hệ Jura được phát hiện ở Mũi Dù. Ảnh: ST

Về giá trị địa chất: Khu vực mũi Dù có thể xem là điểm lý thú về địa chất, tại đây, trong các điểm lộ đá, các hóa thạch gỗ hóa đá và cúc thạch (ammonite), sinh vật chỉ thị của kỹ Jura cách đây khoảng 100 triệu năm (Bản đồ Địa Chất và Khoáng Sản tỉnh Khánh Hòa tỉ lệ 1:100.000, 2007). Các hóa thạch gỗ và cúc thạch tồn tại trong các trầm tích hệ Jura, thống giữa (J2ln) hệ tầng La Ngà, cách ngày nay khoảng 175,6 ± 2 triệu năm (tuổi địa chất Lias như đã viết trong Phiếu đề xuất không có trong Bảng Niên biểu địa chất đang sử dụng ở Việt Nam).

Về giá trị cảnh quan: Các mũi, bãi đá khá rộng với các hình dạng, cấu trúc rất kỳ lạ, đa dạng như các lớp đá dày mỏng khác nhau, màu sắc khác nhau, độ cứng, cấu tạo khác nhau… và đặc biệt các lớp đá uốn lượn theo chiều đứng, nghiên hoặc nằm khác nhau, liên tục thay đổi tạo sức hút lớn đối với người lần đầu ghé thăm. Hai bên mũi, bãi đá khá rộng là hai bãi cát dài 300 m và 500m. Phía sau là bãi đất bằng, tiếp sau đó là núi Cấm cao hơn trăm mét với thảm thực vật là cây trồng của người dân và cây bụi. Có cả cây Phong Ba mọc tự nhiên được phát hiện trên bãi cát. Toàn bộ khu vực là một mũi đất liền nhô ra giữa Vịnh Vân Phong, phân chia Bắc Vịnh Vân Phong và Nam Vịnh Vân Phong; có tầm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp.

PV (tổng hợp)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích