Đề xuất tiêu chuẩn mới góp phần chống điện giật khi nạp điện cho ô tô
Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia Hệ thống hoán đổi ắc quy xe điện, dùng cho xe điện – phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng điện (EV) được lấy dòng điện từ hệ thống tích trữ có thể nạp lại, được sản xuất chủ yếu để sử dụng trên đường bộ hoặc đường cao tốc.
Tiêu chuẩn quốc gia nói trên nhằm quy định các yêu cầu an toàn đối với hệ thống hoán đổi ắc quy được thiết kế để kết nối với nguồn điện xoay chiều có điện áp đến 1.000 VAC hoặc nguồn một chiều có điện áp đến 1.500 VDC; các hệ thống hoán đổi ắc quy được cấp nguồn từ các hệ thống lưu trữ tại chỗ (ví dụ các ắc quy cân bằng).
Nội dung tiêu chuẩn gồm các nội dung: các yêu cầu an toàn của hệ thống hoán đổi ắc quy; các yêu cầu bảo mật đối với giao tiếp; khả năng tương thích điện từ; các ký hiệu và chỉ dẫn; bảo vệ chống điện giật và các nguy cơ khác. Dự thảo tiêu chuẩn do Trường Đại học Công nghệ GTVT biên soạn để Bộ GTVT đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Trong phần yêu cầu về an toàn, dự thảo tiêu chuẩn quy định: Thông số của bộ nạp điện (nằm trong hệ thống nạp) phải đáp ứng các thông số bản thân của ắc quy theo công bố của nhà sản xuất ắc quy. Các chức năng được cung cấp trong quá trình nạp điện một chiều DC phải tuân thủ quy định tại mục 6.4.1 và 6.4.2 của TCVN 13078-23 : 2020 (IEC 61851-23 : 2014).
Ảnh minh hoạ
Bộ nạp phải trang bị các thiết bị khẩn cấp nhằm ngắt kết nối của mạng cấp nguồn AC (nguồn điện) khi có nguy cơ điện giật, cháy nổ; phải được trang bị thiết bị bảo vệ ngăn công suất ngược từ bộ nạp. Các yêu cầu riêng đối với hệ thống cách điện phải tuân thủ với mục 101.2 của TCVN 13078-23 : 2020 (IEC 61851-23 : 2014).
Đối với hệ thống cung cấp điện, phải được thiết kế, xây dựng và thử nghiệm theo quy định của địa phương; được xây dựng sao cho người vận hành có thể tắt từng hệ thống một cách độc lập. Hệ thống cung cấp điện có thể được trang bị nguồn điện dự phòng nhằm cấp điện cho các hệ thống quan trọng trong trường hợp mất điện lưới.
Nội dung quan trọng khác của tiêu chuẩn quốc gia là yêu cầu về bảo vệ chống điện giật, với quy định chung là tuân thủ quy tắc cơ bản về bảo vệ chống điện giật được quy định trong IEC 61140, áp dụng với lắp đặt điện và thiết bị điện.
Đối với thiết bị cung cấp điện được thiết kế để lắp đặt cố định, các yêu cầu được quy định trong TCVN 7447-7 (IEC 60364-7-722). Còn với thiết bị nạp, các yêu cầu liên quan cần được xem xét trong IEC 61851-1 và IEC 61851-23.
Bên cạnh đó, hệ thống nạp điện cho xe điện phải tuân thủ các biện pháp bổ sung để bảo vệ con người khỏi điện giật trong trường hợp bảo vệ cơ bản bị hỏng hoặc lỗi hoặc do người sử dụng bất cẩn. Điều này đồng nghĩa với việc có hai lớp bảo vệ khỏi điện giật khi nạp điện.
“Ngoại trừ các mạch sử dụng biện pháp bảo vệ cách điện, từng điểm đấu nối AC phải được bảo vệ bằng RCD riêng theo IEC 60947-2 hoặc TCVN 6951-1 (IEC 61009-1) hoặc TCVN 6950-1 (IEC 61008-1) hoặc IEC 62423. RCD tối thiểu phải là loại A, và dòng điện dư danh định không được vượt quá 30 mA.
Trong trường hợp nguồn cấp nhiều pha, nếu đặc tính tải do dòng sự cố DC > 6mA không xác định được, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ chống lại dòng sự cố DC, ví dụ: RCD loại B hoặc RCD loại A đấu nối với thiết bị phát hiện dòng sự cố DC để đảm bảo chức năng phù hợp của RCD Loại A. RCD phải được sử dụng cùng với thiết bị bảo vệ quá dòng”, nội dung tiêu chuẩn nêu.
Bảo Lâm