Đề xuất thực phẩm chức năng phải công bố định lượng thành phần

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là dược liệu, hoạt chất sinh học có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Những năm qua, tỷ lệ tiếp cận của người dân với các thực phẩm bảo vệ sức khỏe lên tới 80%.

Ước tính, tổng quy mô ngành thực phẩm chức năng Việt Nam (chưa kể hàng xách tay) đạt 13 tỷ đô la Mỹ, gấp đôi ngành dược. Tuy vậy, người dân vẫn còn mơ hồ đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng.

“Phần lớn người dân đang mua lung tung theo quảng cáo. Họ cứ thấy quảng cáo nhiều trên youtube, facebook là mua mà không tìm hiểu về thương hiệu, sản phẩm, hàm lượng hoạt chất có rõ ràng… Ở Việt Nam, việc phát triển thương hiệu chưa mạnh”, Dược sĩ Hoàng nói.

Theo ông, tại nước ta quảng cáo đang là một vấn nạn. Điều này vô tình làm hại ngành công nghiệp thực phẩm chức năng. Hiệp hội Thực phẩm chức năng sẽ kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ sửa nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm.

Theo đó, ngoài thông tư quy định về chỉ tiêu kiểm nghiệm an toàn độc tố, chất cấm, vi sinh, kim loại nặng, chúng ta cần có thông tư đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Doanh nghiệp nói thành phần của sản phẩm có sâm thì phải định lượng sâm là bao nhiêu.

 Ảnh minh hoạ

Hiện nay thực phẩm chức năng vẫn chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng, các phép thử đối với thảo dược chủ yếu là định tính, chưa định lượng được hàm lượng.

“Sản phẩm muốn công bố hoạt tính sinh học phải đủ ngưỡng đáp ứng, hàm lượng thấp thì không đủ tác dụng. Thế nhưng, nhiều loại vẫn nói quá lên như “thần dược”. Có sản phẩm nói quá lên có thành phần này nhưng kiểm nghiệm thực tế lại không có”, Dược sĩ Hoàng cho biết.

Để nâng cao nhận thức, tạo được niềm tin ở người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải sản xuất được sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Việc công bố, quảng cáo sản phẩm phải chuẩn hóa, tránh quảng cáo sai hoặc gian lận trong sản xuất.

PGS. TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thị trường tiêu thụ các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tăng cao do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển sang các bệnh mạn tính và xu hướng nâng cao sức khỏe để phòng chống bệnh tật ngày càng cao.

Với việc cập nhật nghiên cứu khoa học, các chuyên gia khẳng định vai trò quan trọng của các dược liệu, hoạt chất sinh học như: lunasin fucoidan, nấm ngưu chương chi, deltaImmune… trong việc tăng cường miễn dịch, hỗ trợ chống ôxy hoá, chống gốc tự do, phòng ngừa ung thư, hỗ trợ hồi phục sức khỏe để giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị trong điều trị.

Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2023 về ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Một trong những định hướng là nghiên cứu phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm chức năng có chất lượng để chăm sóc sức khỏe người dân.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích