Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 3
Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 3
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão số 3 để thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân sau bão và rút kinh nghiệm về các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tại Hội nghị khắc phục hậu quả bão số 3 sáng 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã hoành hành trên đất liền hơn 1 ngày, gây hậu quả nghiêm trọng. Hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa lũ, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thủ tướng yêu cầu cần rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng. Trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại, do đó phải bàn với tinh thần khẩn trương; tiếp tục triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, ứng phó sạt lở, sụt lún.
Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành thống kê chi tiết thiệt hại tại các địa phương, từ đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân và phục hồi sản xuất.
Sau cơn bão, cần rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới phù hợp với tình hình hiện tại, bao gồm hạ tầng thông tin; hạ tầng năng lượng, đặc biệt là hệ thống điện; tiêu chuẩn về nhà cửa tại đô thị và các khu vực ven biển.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề xuất Bộ Xây dựng cử đoàn công tác ra hiện trường để khảo sát và đánh giá, từ đó thu thập dữ liệu phục vụ cho việc xây dựng quy chuẩn nhà cửa và hạ tầng phù hợp trong bối cảnh mới như biến đổi khí hậu và các sự cố bất thường ngoài dự liệu.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về hạ tầng và cấu trúc thông tin để đảm bảo thông tin liên lạc được duy trì ổn định trong điều kiện thiên tai.
Ngoài ra, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, đánh giá lại quy định trong Luật Hàng hải về yêu cầu thuyền viên phải ở lại trên tàu trong tình huống khẩn cấp, trong khi con người luôn là tài sản quý giá nhất cần được ưu tiên bảo vệ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần có cơ chế ngân sách khẩn cấp để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương chịu thiệt hại nặng, đảm bảo nguồn lực để khắc phục hậu quả và ổn định đời sống người dân sau bão.
Tuấn Khang (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị