Đề xuất tăng giá điện: Phải có lộ trình và phù hợp với người lao động
Giá điện tăng thì chị Lương Thị Hồng phải cắt giảm chi tiêu. Ảnh: Phương Hạnh |
Giá điện tăng sẽ phải cắt giảm chi tiêu
Để kịp vào ca 2 làm việc lúc 2 giờ chiều, chị Lương Thị Hồng chuẩn bị cơm trưa khá sớm. Chị Hồng là công nhân Công ty TNHH Endo Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội). Gần cuối năm, công ty ít việc, từ mức lương khi được tăng ca 9 triệu đồng, nay giảm xuống còn 7 triệu đồng/tháng. Chồng chị Hồng làm thợ sơn, công việc không ổn định nên cả gia đình 4 người đều trông chờ vào đồng lương công nhân của vợ.
Trong thời tiết lạnh buốt của đầu đông, căn phòng gia đình chị Hồng đang thuê nằm ở cuối ngõ lại càng thêm rét mướt. Để giảm cái lạnh cho cả gia đình, một ngày chị Hồng đun thêm 5 bình nước nóng tiện sinh hoạt, tắm rửa.
“Mùa hè lo tiền điều hòa, mùa đông lo tiền đun nước” – chị Hoà nói và cho biết thêm, phòng trọ có giá thuê 600.000 đồng/tháng, tiền điện 3.000 đồng/số. Mùa hè, chị Hồng trả 900.000 đồng tiền điện/tháng, mùa đông khoảng 500.000 đồng/tháng.
Có 2 con đang học trường mẫu giáo tư thục, mỗi tháng, người mẹ này phải chi thêm 4 triệu đồng tiền học phí, chưa kể tiền sữa, ăn uống của con. Chị Hồng cho biết, riêng tiền phòng trọ, điện nước đã chiếm 30% tiền lương. Những ngày này thu nhập giảm sút khiến cuộc sống càng thêm bấp bênh.
Đã gần hết năm nhưng chị Hồng luôn canh cánh vì trong nhà chẳng dư đồng nào. Tết năm 2023 đến sớm, chị Hồng thêm nặng lòng vì đã hứa mua quần áo mới cho con… Sắp tới giá điện tăng như đề xuất, chị Hồng thêm sốt ruột: “Giá điện mà tăng nữa tôi phải cắt giảm chi tiêu” – nữ công nhân nói.
Đây là tháng thứ 3, chị Trần Thị Lương (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) phải tạm ngưng việc vì công ty ít đơn hàng. Thời gian này, chị Lương phải sống bằng lương ngừng việc, tương ứng 70% lương cơ bản. Đầu tuần này, chị vừa được công ty thông báo, sang tháng 1.2023, công ty sẽ ổn định đơn hàng trở lại, công nhân sẽ tiếp tục được làm việc.
Chồng chị Lương là lái xe taxi truyền thống, những ngày vợ không đi làm, anh chạy xe từ 3 giờ sáng đến 9 giờ đêm để đỡ thay phần vợ. Chị Lương có 2 người con (bé đầu 4 tuổi, bé còn lại 2 tuổi), cả gia đình thuê trọ ở gần Khu công nghiệp Thăng Long với giá 2 triệu đồng. Nếu tính thêm chi phí điện, nước, tiền phòng cũng lên đến gần 3 triệu đồng/tháng.
Trước đề xuất tăng giá điện, chị Lương thêm lo lắng, tuy nhiên, người mẹ 2 con này cũng hi vọng bộ, ban ngành liên quan có quy định tăng phù hợp với lao động thuê trọ có thu nhập thấp.
Như bao công nhân xa quê lên thành phố mưu sinh, mong mỏi lớn nhất của chị Lương là được tăng ca, công việc không bị gián đoạn, có đồng ra đồng vào nuôi con khôn lớn theo cách bình thường nhất. Nếu việc làm ảnh hưởng, giá cả đắt đỏ, giá điện tăng thêm thì công nhân càng thêm khó khăn.
Cần thiết tăng giá điện, nhưng tránh gây “sốc” cho người dân
Trong bối cảnh hàng hóa đầu vào sản xuất, chi phí tăng trong khi giá điện được giữ nguyên từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến lỗ khoảng 31.000 tỉ đồng năm 2022. Vì thế, tăng giá điện là nhu cầu tương đối cấp bách của EVN. Tuy nhiên, mức tăng giá như thế nào và tăng khi nào là bài toán cần đặt ra, nhằm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, trong khi điện, xăng dầu là đầu vào của toàn xã hội. Chi phí sản xuất tăng nhưng đơn hàng của doanh nghiệp bị cắt giảm. Nếu giá điện tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng, khó phục hồi sau COVID-19.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia tài chính, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, trong 3 năm vừa qua, từ năm 2020 do đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ yêu cầu các dịch vụ công nói chung và điện nước nói riêng – không tăng giá. Có thể thấy, trong thời gian đó, có mức độ lạm phát, sự tăng giá điện, tăng giá đầu vào của giá than dầu, khí đốt. Vậy nên, đến lúc cần phải xem lại nên tăng giá điện ở mức độ nào cho phù hợp.
Theo ông, lương tối thiểu vùng mới được tăng từ ngày 1.7.2022 ở mức 6%, con số này không chỉ thấp so với lạm phát mà còn thấp so với nhu cầu chi tiêu của người lao động trong thời gian hiện nay. Việc xem xét tăng giá điện là hợp lý nhưng cần xem xét để tăng giá điện ở mức độ bao nhiêu, tăng khi nào cũng là 1 trong những bài toán mà các cơ quan cần phải xem xét và tính toán.
“Tất nhiên, nếu chúng ta để lâu, không tăng giá của các dịch vụ công lên, đến khi tăng sẽ tăng ở mức cao, như vậy sẽ tạo ra cú sốc với thu nhập và đời sống của người dân. Về phía cơ quan quản lý nên có động thái phù hợp để tăng có lộ trình, nâng chí phí điện sát với chi phí thực tế, không tạo ra cú sốc với người tiêu dùng” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo MINH PHƯƠNG – LƯƠNG HẠNH/Laodong.vn
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-tang-gia-dien-phai-co-lo-trinh-va-phu-hop-voi-nguoi-lao-dong-1126341.ldo
Nguồn: Báo lao động thủ đô