Đề xuất tăng giá điện: Gia đình công nhân lo lắng vì phát sinh chi phí
Gia đình công nhân hạn chế sử dụng các thiết bị để tiết kiệm điện. Ảnh: Anh Thư |
Tiền điện đã cao, nay lại sắp tăng giá!
Trong Đề án quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch Điện VIII), Bộ Công Thương cho biết, giá điện bình quân tăng 1.860 – 2.200 đồng/kWh. Giá điện bình quân (theo tỉ giá USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4 – 9,4 cent/kWh vào năm 2030.
Hiện giá điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.864,44 đồng/kWh (7,9 cent/kWh). Nếu lên mức 8,4 – 9,4 cent/kWh, theo tỉ giá năm 2020, giá điện bình quân trong giai đoạn tới lên tương đương 1.982 – 2.218 đồng/kWh. Bộ Công Thương ước tính giai đoạn 2031 – 2050, giá điện bình quân sẽ trong khoảng 10,8 – 11,4 cent/kWh.
Chị Nông Thị Tấm (SN 1993, ở Yên Bái) cũng vừa biết đến thông tin này trên các phương tiện truyền thông. Đến nay đã 8 năm lăn lộn tại Hà Nội, thời điểm này chị phải nghỉ làm, ở nhà trông con thứ 2 mới hơn 1 tuổi. Cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương 8-9 triệu đồng/tháng của chồng chị.
Gia đình đông người buộc chị phải “nghiến răng” thuê thêm một phòng trọ bên cạnh để đủ chỗ ăn, ngủ. Tiền phòng trọ 1 triệu đồng/tháng, tiền ăn, tiền điện, tiền nước, cưới hỏi… khiến khoản tiền lương kia đều cạn sạch mỗi tháng. Vì thuê phòng trọ, chị Tấm phải chịu giá điện cao hơn bình thường 3.000 đồng/số điện.
Vào những ngày hè oi nóng, chị Tấm phải bật các thiết bị điện như quạt, quạt hơi nước, chưa đủ độ mát phải thêm điều hoà. Chị Tấm chia sẻ: “Những tháng đó thật là khủng khiếp, tiền điện có thể lên đến 1 triệu đồng/tháng. Dù vậy gia đình vẫn cắn răng chịu đựng chứ không biết làm thế nào. Có con nhỏ, nóng bức các con không thể ngủ được”.
Chị Tấm cho rằng, nếu cơ quan chức năng tăng thêm tiền điện thì chủ nhà trọ sẽ điều chỉnh giá bán điện cho công nhân, như vậy, mỗi tháng gia đình công nhân lại phải gồng gánh thêm các chi phí sinh hoạt. Nhiều khi túng thiếu, chị Tấm phải xoay xở vay tiền người thân để đủ chi tiêu. Bao nhiêu năm xuống Thủ đô làm việc, chị không có nhiều tiền tích luỹ, gia đình vẫn phải vật lộn ở trong những phòng trọ chật hẹp, mơ ước về một chỗ ở ổn định, được tính tiền điện theo quy định nhà nước xa vời…
Mong được bình ổn giá
May mắn hơn chị Tấm, gia đình bà Phạm Thị Miên (SN 1962, ở Yên Khánh, Ninh Bình) đã được kí trực tiếp hợp đồng với bên điện lực khi thuê cả căn nhà tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Vì vậy, gia đình bà Miên sẽ trả tiền điện theo giá bậc thang thay vì chịu 3.000 đồng/số điện như những gia đình khác.
Con trai, con dâu làm công nhân nhiều năm trong KCN Thăng Long (Hà Nội), bà Miên cũng khăn gói lên Thủ đô để trông cháu. Có 4 người, nên gia đình bà cũng phải sắm sửa đầy đủ máy giặt, tủ lạnh, tivi, điều hoà…
Ban ngày con cái đi làm, bà Miên ở nhà trông cháu nhưng cũng phải tiết kiệm điện hết sức có thể. “Nhà mái tôn, những ngày hè vô cùng oi nóng. Chỉ khi nào không chịu được thì gia đình mới dám bật điều hoà, nếu không chỉ bật chiếc quạt nhỏ phe phẩy” – bà Miên nói.
Tiết kiệm nhưng mỗi tháng gia đình bà tốn 600-700 nghìn đồng tiền điện. Bà Miên ở nhà cũng xót ruột thay. Hai người con của bà thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng, khó lòng có nhiều tiền dành dụm cho tương lai.
Nghe thông tin đề xuất tăng giá điện, bà Miên bày tỏ: “Bình thường mỗi tháng cũng hết kha khá tiền điện, giờ tăng nữa thì khó khăn lắm. Người nhà quê như chúng tôi cứ nghe chi tiêu trăm nọ, trăm kia đã xót ruột. Mong Nhà nước có sự bình ổn giá điện để người lao động yên tâm hơn”.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đảm bảo các đối tượng sinh viên, công nhân, người lao động thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện theo đúng quy định, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, niêm yết công khai “hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà để ở” tại các địa điểm gần khu công nghiệp, khu nhà máy xí nghiệp, trường học.
Công khai số đường dây nóng là số điện thoại của tổng đài chăm sóc khách hàng của các tổng công ty điện lực để sinh viên người lao động được biết và kịp thời phản ánh các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê trọ sai quy định; phối hợp với các hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tại địa phương để tuyên truyền hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà để ở.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đảm bảo các đối tượng sinh viên, công nhân, người lao động thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện theo đúng quy định, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, niêm yết công khai “hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà để ở” tại các địa điểm gần khu công nghiệp, khu nhà máy xí nghiệp, trường học. Công khai số đường dây nóng là số điện thoại của tổng đài chăm sóc khách hàng của các tổng công ty điện lực để sinh viên người lao động được biết và kịp thời phản ánh các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê trọ sai quy định; phối hợp với các hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tại địa phương để tuyên truyền hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà để ở. |
Theo Anh Thư – Lương Hạnh/Laodong.vn
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-tang-gia-dien-gia-dinh-cong-nhan-lo-lang-vi-phat-sinh-chi-phi-1100497.ldo
Nguồn: Báo lao động thủ đô