Đề xuất sửa Luật Bảo hiểm y tế với 5 nhóm chính sách

Tỷ lệ chi tiền túi để khám chữa bệnh vẫn còn tương đối cao

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

Đề xuất sửa Luật Bảo hiểm y tế với 5 nhóm chính sách
Người tham gia sẽ được điều chỉnh quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa, ảnh: VGP/Thiện Tâm

Quá trình thi hành Luật Bảo hiểm y tế 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, đã xuất hiện nhiều bất cập. Đó là một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh chưa được quy định trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế; các quy định về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến chưa tạo điều kiện cho người dân; thiếu các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế…

Báo cáo tổng kết Luật Bảo hiểm y tế 2014 cho biết, việc tham gia bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của các hộ gia đình trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ chi tiền túi tại Việt Nam vẫn còn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế.

Nguyên nhân là do số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư tiêu hao hoặc các dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ, chưa kể tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng… đã dẫn tới tăng mức trả tiền túi phải chi trả của người bệnh.

Cũng theo Bộ Y tế, từ ngày 1/1/2016, thực hiện thông tuyến huyện, từ 1/1/2021 thực hiện thông tuyến tỉnh, đã đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, chính sách này cũng phát sinh bất cập khi người có thẻ bảo hiểm y tế bỏ qua tuyến dưới, lên tuyến trên khám chữa bệnh, gây lãng phí nguồn lực và Quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời, gây quá tải ở tuyến trên, gia tăng chi phí không cần thiết và làm cho chi phí từ tiền túi của người bệnh.

Bộ Y tế cũng chỉ ra tình trạng lạm dụng, lợi dụng chính sách bảo hiểm y tế như chỉ định các dịch vụ kỹ thuật (xét nghiệm cận lâm sàng, X quang, thăm dò chức năng) quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh; người bệnh đi khám chữa bệnh nhiều nơi trong thời gian ngắn, mượn thẻ bảo hiểm y tế của người khác để đi khám chữa bệnh. Đáng quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Sửa Luật Bảo hiểm y tế với 5 nhóm chính sách

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất sửa Luật Bảo hiểm y tế với 5 nhóm chính sách. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị cập nhật các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang được trình Quốc hội; bổ sung nhóm tự đóng bảo hiểm y tế gồm người sinh sống làm việc, người được nuôi dưỡng chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo, người Việt Nam không có giấy tờ tùy thân, người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động tự đóng hoặc tham gia theo hình thức hộ gia đình…

Đề xuất điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế đang được nhiều bệnh nhân kỳ vọng sẽ giúp họ giảm chi phí khám chữa bệnh. Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, không quy định ngay việc mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế với các bệnh cụ thể trong dự thảo Luật, nhưng giao Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện lộ trình ưu tiên mở rộng chi trả với các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C, B.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định về bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện do các cơ sở kinh doanh bảo hiểm thực hiện với các đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, để đa dạng hóa các gói quyền lợi theo nhu cầu và khả năng của người dân.

Năm 2021, có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ tham gia bảo hiểm sức khỏe chiếm khoảng 4%, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường, ước đạt 116.404 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2025, có khoảng 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, nếu tăng thêm 4%, tương đương với doanh thu 34.921 tỷ đồng, trong đó, bảo hiểm sức khỏe/bảo hiểm bổ sung có thể chiếm đến 30% doanh thu tăng thêm…
Đáng quan tâm, dự thảo Luật quy định cụ thể về cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, cơ bản, chuyên sâu. Để khuyến khích người dân điều trị tại cấp cơ bản, dự thảo Luật điều chỉnh tỷ lệ chi trả điều trị nội trú là 60%, và chi trả điều trị ngoại trú 40% với trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp cơ bản, trừ các cơ sở thuộc cấp ban đầu, y tế cơ sở; không thanh toán chi phí điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên sâu…

Thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bám sát và thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Đồng thời, đánh giá kỹ các điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất… để đảm bảo tính khả thi của Luật; nghiên cứu thêm nội dung phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính…

Bộ Y tế đề xuất sửa Luật Bảo hiểm y tế với 5 nhóm chính sách, gồm: (1) Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; (2) Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khoẻ trong từng giai đoạn; (3) Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (4) Nâng cao hiệu quả quản lý trong giám định và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (5) Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích