Đề xuất sửa đổi quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá

Theo cơ quan soạn thảo, sau hơn 8 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Giá đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Để sửa đổi Luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ 9 nhóm chính sách, bao gồm: Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; phương pháp và hình thức định giá; bình ổn giá; hiệp thương giá; biện pháp kê khai giá; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường và kiểm tra thi hành pháp luật về giá; thẩm định viên về giá; quản lý doanh nghiệp thẩm định giá; thẩm định giá của Nhà nước.

Theo quy định tại Luật Giá thì Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ; các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình.

Đề xuất sửa đổi quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi).

Đối với hình thức định giá, tại Luật Giá quy định có 4 hình thức là giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá. Tuy nhiên các hình thức định giá hiện nay đã không còn đảm bảo bao quát để thực hiện quản lý trong các trường hợp, vì vậy cần bổ sung một số hình thức có tính gián tiếp như giá cơ sở đối với xăng dầu hay giá định hướng thóc gạo hiện nay.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị sửa theo hướng xác định danh mục nhà nước định giá là hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tính chất độc quyền ̣̣̣̣̣̣̣thị trường, độc quyền địa bàn, độc quyền tự nhiên… có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại các Luật chuyên ngành trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, có quy định để loại trừ các trường hợp phát sinh thêm mặt hàng định giá tại các Luật chuyên ngành như hiện nay; trường hợp cần sửa đổi, bổ sung thì các Bộ, ngành đề xuất với Chính phủ (thông qua Bộ Tài chính) để thực hiện thống nhất theo Luật Giá.

Về bình ổn giá, cơ quan soạn thảo đưa ra 3 giải pháp. Qua đánh giá tác động, Dự luật dự kiến sửa đổi theo hướng không quy định danh mục cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá vào trong luật, mà giao thẩm quyền quy định danh mục cụ thể cho Chính phủ quyết định thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành. Đồng thời, giao thẩm quyền cho địa phương thực hiện bình ổn giá trên phạm vi địa bàn của mình trong trường hợp khẩn cấp tương tự với quy định về bình ổn giá tại trung ương.

Cũng theo Tờ trình của Bộ Tài chính, việc không quy định danh mục cụ thể trong Luật, đồng thời giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định danh mục và phương pháp sẽ tạo điều kiện cho việc điều hành linh hoạt, đáp ứng kịp thời những vấn đề phát sinh đối với công tác bình ổn giá khi hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường hoặc xảy ra cạnh tranh không lành mạnh về giá…

Tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đổi) về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; đánh giá sự phù hợp của nội dung chính sách với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật, tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích