Đề xuất rút gọn thủ tục với người thuê, mua nhà ở xã hội

Sau Hội nghị “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững” ngày 17/2/2023, Chính phủ đã đưa ra dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Mục tiêu của dự thảo Nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng.

Đặc biệt, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành phối hợp để tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Đề xuất rút gọn thủ tục với người thuê, mua nhà ở xã hội
Người thuê, mua nhà ở xã hội có thể được rút gọn thủ tục. (Ảnh minh họa: HP)

Để cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, Chính phủ đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Từ đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.

Liên quan tới vấn đề thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Theo đó, Chính phủ sẽ cắt giảm điều kiện đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội, chỉ cần là đối tượng thu nhập thấp. Đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì đảm bảo hai điều kiện đó là khó khăn về nhà ở và thu nhập thấp.

Về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội cũng được điều chỉnh theo hướng: Việc quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn.

Về lựa chọn chủ đầu tư theo hướng đấu thầu theo pháp luật về đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nếu có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bổ sung chính quyền địa phương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở.

Chủ đầu tư làm nhà ở xã hội sẽ được dành toàn bộ diện tích sàn khối đế của dự án để làm dịch vụ – kinh doanh thương mại, dịch vụ – công cộng (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và các tiện ích phục vụ cư dân).

Phần diện tích khối để này được kinh doanh, hạch toán riêng và chủ đầu tư dự án được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích này. Đối với phần diện tích sàn làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức theo quy định của Luật Nhà ở (có lợi nhuận định mức).

Giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội theo hướng xác định đủ chi phí bảo trì nhà ở, các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phi tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác), lợi nhuận định mức theo quy định của Chính phủ và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước.

Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội xây dựng phương án giá đảm bảo các nguyên tắc nêu trên và trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Chính phủ sẽ hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung – dài hạn của các địa phương.

Hà Phong

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích