Đề xuất quy hoạch hạ tầng cấp, thoát nước theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh

Đề xuất quy hoạch hạ tầng cấp, thoát nước theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, lĩnh vực cấp, thoát nước cần có quy hoạch theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh; đồng thời linh động trong vấn đề phân cấp trách nhiệm theo hướng giao cho địa phương phê duyệt…

Đề xuất quy hoạch hạ tầng cấp, thoát nước theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh
Nguồn ảnh: INT

Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh tọa đàm về dự án Luật Cấp, Thoát nước, do Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/6 vừa qua.

Đề xuất quy hoạch hạ tầng cấp, thoát nước theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh
Toàn cảnh tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật Cấp, Thoát nước (lần 02).

Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước (lần 02) được thiết kế với 08 Chương, bao gồm 68 Điều; tiếp tục cụ thể hóa 03 chính sách gồm: Chính sách 01 – Phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Chính sách 02 – Quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; Chính sách 03 – Bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.

Các nội dung tập trung lấy ý kiến tại tọa đàm xoay quanh các vấn đề về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch – cơ sở lập dự án đầu tư; giai đoạn chuẩn bị đầu dự án; giai đoạn đầu tư xây dựng; giai đoạn khai thác vận hành; giá dịch vụ; tổ chức quản lý…

Những vướng mắc về vấn đề quy hoạch, phân vùng cấp nước

Liên quan đến công tác quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước – một trong những nội dung còn nhiều vướng mắc, ông Phạm Trọng Khôi – Chủ tịch Công ty CP Nước sạch Hà Nam đề nghị Luật Cấp, Thoát nước tìm cách tháo gỡ vấn đề thay đổi vùng cấp nước do điều chỉnh quy hoạch, hoặc do phát triển kinh tế, đô thị, dẫn đến tình trạng trong thực tế có trường hợp xây dựng thêm nhà máy nước mới cách không xa nhà máy nước đã có; đồng thời đưa ra các điều kiện để hạn chế các tranh chấp, xung đột lợi ích giữa các cơ sở cấp nước trên cùng một địa bàn.

“Luật cần xem xét trường nào hợp thì được điều chỉnh quy hoạch liên quan đến hạ tầng cấp nước, khi điều chỉnh phải đáp ứng các điều kiện gì, cũng như có giải pháp hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, đang diễn ra ở nhiều nơi”- ông Phạm Trọng Khôi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương, góp ý, Luật cần linh hoạt hơn trong quy định về nguồn cấp nước, đặc biệt là đối với các địa bàn giáp ranh, nhằm tối ưu hoá khả năng cấp nước.

Bên cạnh đó, Luật cũng cần quy định rõ về vấn đề dự trù quỹ đất cho các hạng mục liên quan đến hạ tầng cấp, thoát nước; cụ thể hoá quy định về đấu nối thoát nước thải.

Ông Trần Văn Dương – Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho rằng, nước sạch là hàng hóa đặc biệt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, do đó đối với các khu chức năng, nên có quy định về việc các đơn vị cấp nước hiện hữu được quyền cấp nước, việc này nhằm đảm bảo thống nhất công tác quản lý nhà nước nói chung về lĩnh vực cấp nước.

Ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch & Vệ sinh Môi trường Nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện còn sự khác biệt giữa cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn. Do đó Luật Cấp, Thoát nước nên có những quy định bao trùm các khu vực dân cư lớn, khu dân cư nông thôn, nhằm giải quyết bài toán hiện tượng manh mún, nhỏ lẻ về cấp thoát nước ở nhiều khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần có quy định về chính sách hỗ trợ giá, bù giá với khu vực đặc thù là nông thôn…

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, ông Trương Tiến Hưng – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đề nghị, cần quy định cụ thể với các giếng nước ngầm không khai thác nữa thì để ở chế độ dự phòng; hiện Bộ TN&MT đang quy định phải lấp đi.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ vướng mắc về khâu thủ tục, cần quy định cụ thể hơn việc khai thác vượt giấy phép, nên có hệ số quy hoạch vượt như thế nào cho hợp lý để trong những thời điểm cao điểm, các đơn vị cấp nước chủ động khai thác vượt so với sản lượng thông thường, trên cơ sở đảm bảo điều kiện không vượt quá tổng sản lượng cả năm.

Cũng liên quan đến vấn đề khai thác nước ngầm, ông Bùi Thanh Giang – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, hiện các khu công nghiệp tại TP.HCM đang được chủ động khai thác nước ngầm, Thành phố ban hành bản đồ khu vực hạn chế khai thác nước ngầm. Đây là một giải pháp hữu hiệu nên được quy định rõ trong Luật, để góp phần đảm bảo công tác quản lý nhà nước và an ninh nguồn nước.

Ông Vũ Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng), cho biết, thực tế trong các quy hoạch tỉnh hiện nay, nội dung quy hoạch hạ tầng, cấp nước đã tương đối rõ đến vùng liên huyện, bao gồm mạng lưới và các công trình đầu mối.

Tuy nhiên nội dung thoát nước thì hầu như chưa có, chỉ mới đề cập đến thủy lợi, thoát nước mưa, tưới tiêu. Do đó, Luật Cấp, Thoát nước cần quy định rõ hơn về nội dung này.

Đề xuất quy hoạch hạ tầng cấp, thoát nước theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh
Ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật mong muốn các nhà chuyên môn tiếp tục đóng góp ý kiến để Ban soạn thảo cập nhật, hoàn thiện dự thảo

Phản biện một số ý kiến góp ý, ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, không có cơ sở để cấm các nhà đầu tư trong các khu chức năng như khu, cụm công nghiệp, khu đô thị đầu tư hạ tầng cấp, thoát nước. Vì các quy hoạch phân khu, quy hoạch khu công nghiệp bao giờ cũng có hạng mục trạm xử lý nước thải và nội dung quy định về đấu nối hạ tầng cấp, thoát nước, giao thông, chiếu sáng…

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đầu tư trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải

Đối với lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, ông Phan Hoài Minh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đề xuất, với công trình ngầm thoát nước ở các đô thị lớn, đô thị đặc biệt, Luật Cấp, Thoát nước cần bổ sung nội dung góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng của lĩnh vực này.

Đồng thời xác định rõ hành lang bảo vệ hệ thống thoát nước, hạn chế tình trạng lấn chiếm như những năm qua; có giải pháp quản lý nguồn thu từ dịch vụ thoát nước để tái đầu tư; bổ sung nội dung đầu tư để xử lý bùn thải, bởi “thực tế việc xử lý bùn thải hiện được đưa vào quy hoạch xử lý chất thải rắn, chứ không phải là quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải”- ông Phan Hoài Minh nêu thực tế.

Về vấn đề đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải, ông Nguyễn Thiên Tùng – Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ thuật Seen cho rằng, lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, nếu áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thì có thể thay thế được hình thức đầu tư bằng vốn ODA. Do đó cần có cơ chế khuyến khích để khơi thông nguồn vốn PPP.

Ngoài ra, Luật Cấp, Thoát nước cũng cần đề cập cơ chế chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Bởi thực tế hiện nay các đô thị nhỏ hầu hết không có hệ thống thu gom nước thải, do đó khi đầu tư trạm xử lý thì thường phải đầu tư cả hệ thống thu gom.

Cũng theo ông Nguyễn Thiên Tùng, Luật cũng cần có hướng dẫn mẫu hợp đồng PPP trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải; đồng thời có quy định thể về đấu nối các dự án nhà ở, đô thị vào hệ thống hạ tầng hiện hữu.

“Về giá dịch vụ thoát nước (hiện thu theo tỷ lệ cấp nước), các hộ đấu nối có đặc thù khác nhau, như hộ gia đình, nhà hàng, hộ kinh doanh khác, do đó giá cần có sự phân biệt theo đối tượng tham gia vào hệ thống thoát nước; đồng thời xem xét việc thiết lập quỹ công ích từ thu phí để làm nguồn lực dự phòng, tái đầu tư” – ông Nguyễn Thiên Tùng đề xuất.

Cũng liên quan đến phương thức đầu tư hạ tầng cấp, thoát nước, đơn vị soạn thảo đặt câu hỏi: Nên áp dụng phương thức đặt hàng có điều kiện hay phương thức đấu thầu? Có nên tách bạch nhà đầu tư và nhà quản lý vận hành?

Về nội dung này, ông Phạm Trọng Khôi – Chủ tịch Công ty CP Nước sạch Hà Nam ủng hộ quan điểm đấu thầu, bởi đây là hình thức đầu tư văn minh, nhưng phải có chế tài, có niên hạn phù hợp, tránh sử dụng lãng phí tài sản theo tư duy nhiệm kỳ.

Góp ý thêm về vấn đề đấu thầu thực hiện dự án cấp nước, ông Trần Văn Dương – Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục đấu thầu trong lĩnh vực này. Do đó, Luật Cấp, Thoát nước cần bổ sung, làm rõ nội dung này.

Tổng hợp các ý kiến góp ý, ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết, đơn vị soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát rất nhiều ý kiến trong khoảng một năm rưỡi, cập nhật tất cả các khó khăn, vướng mắc vào tài liệu.

“Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để cập nhật vào tài liệu; đồng thời mong muốn các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu góp ý để Ban soạn thảo tiếp tục cập nhật, hoàn thiện nội dung dự thảo” – ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.

Đề xuất quy hoạch hạ tầng cấp, thoát nước theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đề nghị cần quy hoạch lĩnh vực cấp, thoát nước theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh.

Kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nêu quan điểm, dự thảo Luật Cấp, Thoát nước cần tiếp tục nghiên cứu về vấn đề quy hoạch, yêu cầu là phải có quy hoạch đủ điều kiện lập dự án. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quy hoạch tỉnh thì rất rộng; quy hoạch đô thị, quy hoạch cấp huyện thì cụ thể hơn, nhưng hầu như các dự án cấp, thoát nước lại vượt qua ranh giới các quy hoạch thành phần này. Do đó cần đặt ra yêu cầu về sự thống nhất của mạng lưới hạ tầng cấp, thoát nước trong phạm vi một địa phương.

“Lĩnh vực cấp, thoát nước cần quy hoạch theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh; linh động theo hướng giao cho địa phương phê duyệt; đồng thời có tính toán phù hợp để lồng kế hoạch thực hiện vào quy hoạch, kèm theo diễn giải về nguồn lực, phương án triển khai…”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý, Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nội dung cấp nước liên quan đến đối tượng khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư, theo hướng thứ nhất là chỉ cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án khi nhà cung cấp ở khu vực đó từ chối; thứ hai là nhà đầu tư phải có đủ điều kiện thực hiện dự án; thứ ba là đảm bảo các điều kiện về cấp nước an toàn, an ninh nguồn nước.

Đối với nội dung về xử lý nước thải, Thứ trưởng cho rằng còn nhiều vấn đề cần làm rõ thêm, như về vùng xử lý nước thải, xác định cơ chế giá, chế tài về việc đấu nối vào hệ thống, nội dung xử lý bùn thải… Tương tự là các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà quản lý, vận hành; nghiên cứu đối chiếu với các luật khác để thống nhất, tránh mâu thuẫn; nội dung về cấp, thoát nước khu vực nông thôn…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích