Đề xuất quy định kiểm định nước thải trong hoạt động kiểm định môi trường

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm định nước thải, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định kiểm định nước thải trong hoạt động kiểm định môi trường phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát môi trường gồm 03 Chương 22 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, dự thảo Thông tư quy định về kiểm định nước thải trong hoạt động kiểm định môi trường phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát môi trường bao gồm thu mẫu, đo kiểm tại hiện trường, kiểm định mẫu nước thải, điều kiện chuyên môn của cán bộ kiểm định, bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong kiểm định nước thải theo một quy trình nhất định nhằm tìm ra mức độ vượt ngưỡng của các thông số môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải.

Việc xác định điểm thu mẫu, dự thảo Thông tư quy định: Điểm thu mẫu nước thải được chọn tại họng xả thải (cửa xả ra môi trường). Chọn một vị trí tại họng xả thải làm điểm thu mẫu sao cho tại đó: có dòng chảy rối, dòng nước thải hòa trộn đều, dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị lấy mẫu. Nếu vị trí dự kiến chọn làm điểm thu mẫu không bảo đảm an toàn thì phải loại bỏ và chọn vị trí khác sao cho bảo đảm an toàn.

Việc lấy mẫu phải có mặt chủ nguồn thải hoặc người đại diện của cơ sở có nguồn thải. Trường hợp chủ nguồn thải hoặc người đại diện vắng mặt hoặc không hợp tác thì trưởng đoàn công tác có trách nhiệm lập biên bản về sự vắng mặt hoặc không hợp tác và phải có người chứng kiến việc lấy mẫu; Trước khi lấy mẫu phải cho chủ nguồn thải hoặc người đại diện của cơ sở có nguồn thải hoặc người chứng kiến thấy dụng cụ lấy và chứa mẫu đảm bảo sạch, các dụng cụ và hóa chất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu. Chụp ảnh hoặc quay phim về điểm thu mẫu và hoạt động thu mẫu.

 Ảnh minh hoạ

Về quy trình kiểm định mẫu nước thải, dự thảo Thông tư quy định như sau: Tiếp nhận, xem xét yêu cầu kiểm định và mẫu vật: Phòng thử nghiệm hoặc đơn vị kiểm định phải đánh giá chất lượng mẫu cần kiểm định và xem xét yêu cầu kiểm định để xác định sự phù hợp với năng lực kiểm định. Trường hợp không phù hợp thì từ chối kiểm định hoặc sử dụng nhà thầu phụ thực hiện, trường hợp phù hợp thì tiến hành mã hóa mẫu (với mẫu chưa được mã hóa hoặc mã hóa chưa đạt yêu cầu) và phân công thực hiện nhiệm vụ phân tích theo các thông số cần kiểm định.

Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị và xử lý mẫu trước phân tích: a) Căn cứ vào các thông số cần phân tích của mẫu nước thải và phương pháp phân tích sẽ thực hiện để chuẩn bị đúng chủng loại, đúng và đủ về số lượng và chất lượng các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, thuốc thử và các mẫu QC phục vụ việc kiểm định; b) Tiến hành xử lý mẫu trước phân tích theo quy trình xử lý mẫu trước phân tích ứng với phương pháp phân tích và thông số môi trường cụ thể.

Triển khai phân tích theo quy trình kỹ thuật phân tích đã được phòng thử nghiệm xây dựng theo từng phương pháp cụ thể. Phải phân tích đồng thời mẫu cần kiểm định với các mẫu kiểm soát chất lượng.

Kết thúc công tác phân tích trong phòng thử nghiệm: Viết biên bản kiểm định tại phòng thí nghiệm theo Mẫu 06-MTr ban hành hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41 ngày 16 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành các loại biểu mẫu sử dụng trong hoạt động kiểm định môi trường phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân (Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41). Tính toán, xử lý các số liệu phân tích theo từng phép đo tương ứng. Kiểm tra tổng hợp về tính hợp lý của các kết quả phân tích mẫu nước thải. Việc kiểm tra dựa trên hồ sơ kiểm định (biên bản thu mẫu, biên bản đo kiểm hiện trường, biên bản giao nhận mẫu vật, biên bản kiểm định và các kết quả đo, phân tích trong phòng thử nghiệm, kết quả phân tích các mẫu QC).

Viết Kết luận kiểm định môi trường theo Mẫu 09-MTr hoặc Mẫu 10-MTr ban hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41. Trường hợp chưa đủ điều kiện kết luận theo quy định thì viết Kết quả kiểm định môi trường theo Mẫu 07-MTr hoặc Mẫu 08-MTr ban hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41. Phần mẫu còn lại sau phân tích được lưu theo quy định về kiểm soát chất lượng trong phân tích và quy định về quản lý mẫu vật môi trường (thời gian lưu là 30 ngày sau khi kết thúc kiểm định trừ khi có yêu cầu khác).

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định về điều kiện môi trường kiểm định: Phòng bảo quản thiết bị kiểm định môi trường cần có diện tích từ 15 m2 trở lên, có điều hòa, hút ẩm, đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm. Điều kiện môi trường phòng bảo quản thiết bị cần đảm bảo về nhiệt độ: (10÷30) 0C, về độ ẩm: ≤ 80 %.

Phòng kiểm định mẫu môi trường cần tách biệt với phòng bảo quản thiết bị, có trang bị bàn phân tích; tủ hút khí độc; giá hoặc tủ để vật tư, hóa chất; bồn rửa dụng cụ; điều hòa; quạt thông gió. Điều kiện môi trường phòng kiểm định cần bảo đảm về nhiệt độ: (23±7) 0C, về độ ẩm: < 85 %.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích