Đề xuất phương án đầu tư 6.479 tỷ đồng xây cao tốc Cao Lãnh – An Hữu
Đề xuất phương án đầu tư 6.479 tỷ đồng xây cao tốc Cao Lãnh – An Hữu
Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn I được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT trong giai đoạn 2021 – 2025.
Ngày 25/10, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Cụ thể, Dự án có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc địa phận xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; và điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 2km), thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Từ vị trí điểm đầu Dự án giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), tuyến đi chếch theo hướng Đông Nam vượt qua ĐT.847, tránh quy hoạch Thị trấn Mỹ Thọ, sau đó hướng tuyến cơ bản đi thẳng theo hướng Đông giao với ĐT.850 và nằm giữa khu dân cư với khu sinh thái Xẻo Quýt, tuyến tiếp tục vượt sông Cái Lân vào địa phận tỉnh Tiền Giang, vượt qua sông Bờ Goong kết nối với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại vị trí cách nút giao An Thái Trung khoảng 2km thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có tổng chiều dài khoảng 24,43km; trong đó, qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81km và qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62km.
Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến được xây dựng theo quy mô 4 làn xe cao tốc với mặt cắt ngang là 24,75m (4 làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,75m; chiều rộng dải phân cách giữa và dải an toàn trong 2,25m; chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp 3m và chiều rộng lề đất là 1,5m); đạt vận tốc 100km/h.
Cũng theo tờ trình của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, trong giai đoạn I, Dự án sẽ đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 với quy mô mặt cắt ngang 17m (bao gồm lãi vay) là 6.476,93 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện với quy mô mặt cắt ngang 24m (không bao gồm lãi vay) là 13.298,77 tỷ đồng.
Ở giai đoạn này, phần vốn nhà nước tham gia Dự án khoảng 3.238 tỷ đồng và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; vốn nhà đầu tư huy động khoảng 3.238 tỷ đồng, gồm: vốn chủ sở hữu khoảng 486 tỷ đồng (tương ứng mức tối thiểu 15% theo quy định của Luật PPP) và vốn vay khoảng 2.752 tỷ đồng.
Theo đề nghị, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư Dự án từ năm 2021 – 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư trong năm 2022 – 2023; thi công xây dựng công trình: cơ bản hoàn thành thông tuyến năm 2025, chuyển tiếp hoàn thành 2027.
Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu là tuyến huyết mạch, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh nên Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thành phần.
Trong khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc có bao gồm tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. Đây là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền, đồng thời đoạn tuyến là một phần tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh để kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) với các các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh).
Hoài Thu (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị