Đề xuất nguyên tắc phối hợp kiểm tra lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Dự thảo nêu rõ các nguyên tắc phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đảm bảo phối hợp phải chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở chỉ đạo tập trung thống nhất gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức, điều hành thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Tuân thủ quy định tại quy chế này và các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình hoạt động; bảo đảm việc điều phối tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở quán triệt chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Thực hiện phối hợp thanh tra, kiểm tra thông qua cơ quan đầu mối là cơ quan chủ trì thanh tra, cơ quan chủ trì kiểm tra thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quá trình phối hợp.

 Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Long An tiến hành test nhanh trị số Octan 1 mẫu xăng RON 95-III.

Nguyên tắc xử lý chồng chéo: Trường hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra của địa phương trùng lặp với kế hoạch của cơ quan Trung ương thì cơ quan Trung ương thực hiện; kế hoạch kiểm tra và cùng cấp trùng lặp thì cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thực hiện; kế hoạch thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có sự trùng lặp thì thực hiện theo Luật Thanh tra; kế hoạch kiểm tra trùng lặp giữa các cơ quan cùng cấp thì các cơ quan kiểm tra phải thống nhất một cơ quan chủ trì, các cơ quan còn lại phối hợp, trường hợp không thống nhất được thì báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc, nghiệp vụ, chuyên môn, chế độ bảo mật của mỗi cơ quan. Tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan. Bảo đảm một đối tượng thanh tra, kiểm tra chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm tra trong một năm đối với hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Cơ quan chủ trì phải thông báo bằng văn bản kết quả phối hợp kiểm tra cho cơ quan tham gia phối hợp. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan liên quan. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền của cơ quan tham gia phối hợp xem xét, quyết định.

Nội dung phối hợp

Theo dự thảo, nội dung phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bao gồm:

1. Thu thập, chia sẻ thông tin, khảo sát liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

2. Lập, phê duyệt kế hoạch thanh tra, phê duyệt kế hoạch kiểm tra.

3. Đề nghị cử người, cử người tham gia và việc thành lập Đoàn thanh tra, Đoàn kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành.

4. Tiến hành thanh tra, kiểm tra; thẩm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và các tình tiết khác liên quan đến vụ việc thanh tra, kiểm tra.

5. Xử lý vi phạm hành chính; tiếp nhận hồ sơ vụ việc để xử lý theo thẩm quyền.

6. Kết luận và tổ chức thi hành kết luận thanh tra, kiểm tra. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

7. Tổng kết công tác phối hợp và rà soát, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật về hoặc liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

8. Tuyên truyền và phòng ngừa vi phạm pháp luật về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích