Đề xuất người cao tuổi không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, nhằm khắc phục các hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành luật và bảo đảm hài hòa hơn lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH.
Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt
Theo cơ quan soan thảo, quá trình thực hiện Luật BHXH 2014 bộc lộ không ít bất cập. Đó là diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong thực hiện pháp luật về BHXH vẫn còn khoảng trống.
Quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia BHXH và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động. Đồng thời, còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; một số chế độ BHXH chưa được quy định để tăng sự hấp dẫn của BHXH…
Dự thảo Luật BHXH được xây dựng với 9 chương, 133 điều, sửa đổi căn bản, toàn diện Luật hiện hành, với nhiều đề xuất mới quan trọng. Trong đó, Dự thảo Luật hướng tới xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Ảnh minh họa. Ảnh: VGP |
Luật BHXH 2014 đã quy định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Do vậy, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội với các quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đồng thời, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm bắt buộc và tự nguyện) chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Dự thảo quy định, đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo do các địa phương thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi, trợ cấp hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo do cơ quan BHXH thực hiện.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ, phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH
Chính sách lớn thứ hai được đề xuất sửa đổi là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.
Đồng thời, bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ như đối tượng cán bộ, công chức).
Đáng quan tâm là đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, theo đó người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng/1 con, do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Dự thảo Luật cũng quy định tính tỷ lệ lương hưu nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua thực hiện các hiệp định về BHXH được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các nước, đồng thời phù hợp với quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu.
Nguồn: Báo lao động thủ đô