Đề xuất nên cho quảng cáo trên nóc nhà chờ xe buýt

Đề xuất nên cho quảng cáo trên nóc nhà chờ xe buýt

Tuệ Nhi –  Thứ bảy, 29/10/2022 16:22 (GMT+7)

Ngày 26/10, Hiệp hội Quảng cáo đã góp ý dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội năm 2022.

Mới đây, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) đã có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hà Nội về việc góp ý vào “Dự thảo bổ sung, sửa đổi Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/1/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về quảng cáo ngoài trời ” trên cơ sở bổ sung Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo; ghi đầy đủ tên Thông tư số 04 /TT-BXD ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn Quốc gia QCVN 17:2018/BXD thay thế cho QCVN 17:2013/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013”.

Ngoài ra đề nghị xem xét, tham khảo ý kiến góp ý của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Quảng cáo Hà Việt, hội viên HHQCVN, về hiệu lực của Quyết định số 1997/QĐUBND ngày 24/4/2018 của UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy họach quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.

Điều 7:

Hiệp hội Quảng cáo đề nghị làm rõ “Khu vực hạn chế quảng cáo” được thể hiện những hình thức quảng cáo gì, thời điểm, thời hạn quảng cáo…để thuận tiện cho việc cấp phép.

Khoản 4, đề nghị tách đoạn “Tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ngã 7 Ô Chợ Dừa, ngã 5 Cửa Nam được thực hiện các hình thức quảng cáo ứng dụng công nghệ, văn minh, hiện đại.” thành khoản riêng (5). Đồng thời cũng quy định cụ thể “Được thực hiện các hình thức quảng cáo ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại” là thế nào?

VAA đề nghị bổ sung thêm khoản (6) “Khu vực Quảng trường 19/8 (Nhà hát lớn Thành phố), Quảng trường 1/5 (Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô), Trung tâm Hội nghị Quốc gia; các quảng trường, công viên thuộc thành phố và quận, huyện, thị xã được quảng cáo cho các sự kiện diễn ra tại khu vực.” mà QĐ 01/2016 đã có nhưng Dự thảo mới chưa đưa vào.

tm-img-alt

Hiệp hội Quảng cáo góp ý dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội năm 2022. (Ảnh: Internet)

 Điều 8: Đề nghị giữ lại điểm “Khi thực hiện tuyên truyền, quảng cáo trên hệ thống giá treo băng rôn quy định của Thành phố, các tổ chức thực hiện nộp phí dịch vụ treo, tháo dỡ và quản lý băng rôn trong thời gian quảng cáo với chủ đầu tư lắp đặt hệ thống giá treo – đỡ băng rôn.” như QĐ 01/2016 để đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng thời hạn tháo dỡ, tránh làm mất mỹ quan TP.

 Điều 10:

Điểm b, khoản 2.1 (vị trí), đề nghị thay đoạn “ phải đảm bảo các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ, cứu nạn” bằng đoạn “ Các doanh nghiệp phải có phương án, cam kết bằng văn bản về an toàn PCCC, thoát nạn, cứu hộ, cứu nạn đối với công trình quảng cáo của doanh nghiệp” để thể hiện rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.

Khoản 3:

Đề nghị nhập điểm b vào điểm a vì nội dung như nhau, không cần phân biệt khu vực nội thành và ngoại thành.

Điểm a, đề nghị bỏ phần giới hạn diện tích tối đa đến 40m2 để phù hợp với tình hình hiện nay rất nhiều nhà cao tầng, diện tích mặt bên rất lớn mà nên cho thực hiện theo điểm a, mục 2.2.1.7.2, QCVN 17:2018/BXD đã cho “ Diện tích bảng quảng cáo, hộp đèn chỉ cho phép tối đa bằng 50% diện tích mặt bên công trình với kích thước không vượt quá giới hạn mặt bên công trình tại vị trí đặt bảng”.

Điều 11, khoản 1: Đề xuất nên cho quảng cáo trên nóc nhà chờ xe buýt để nâng cao tính thẩm mỹ, phát huy tính sáng tạo  của quảng cáo.

Điều 12, khoản 3: Đề nghị bổ sung đầy đủ, chính xác : “Yêu cầu kỹ thuật: Theo quy định trong bảng 1 tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời QCVN 17: 2018/BXD…”

Điều 15: Đây là Điều bổ sung cho các loại hình quảng cáo còn mới, có loại chưa phổ biến rộng, chưa có văn bản nào hướng dẫn  cụ thể nên nếu quy định như khoản 1 Dự thảo “ Phải tuân theo quy định của Luật quảng cáo, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định về phòng cháy chữa cháy, phòng chống cháy nổ; an toàn điện, an toàn giao thông” thì quá chung chung cho các doanh nghiệp lẫn nhà quản lý. Hiệp hội quảng cáo đề nghị Hà Nội mở đầu cho việc quản lý các loại hình quảng cáo này nên nghiên cứu để nếu có thể đưa ra những quy định cụ thể hơn như: về quy mô; thiết bị, âm thanh, ánh sáng, không gian, vị trí, hồ sơ, thủ tục (theo quy định tại khoản 2) … cho doanh nghiệp dễ thực hiện.

Điều 16:

– Khoản 3: Đề nghị có quy định cụ thể về thời lượng, thời điểm, tỷ lệ, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cho việc tham gia tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và chính sách xã hội để tránh việc lạm dụng, gây lãng phí, tốn kém cho doanh nghiệp.

– Khoản 4: Đề nghị bổ sung thêm ý vào đoạn: “việc xây dựng, lắp đặt màn hình  LED phải nằm trong quy hoạch quảng cáo của Thành phố và phải có hồ sơ gửi Sở Văn hóa và Thể thao…”. Ngoài ra đề nghị hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xin “ Xây dựng, lắp đặt màn hình LED”.

Điều 18, khoản 4: Để thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị nghiên cứu, bổ sung giảm thiểu thủ tục, quy trình tiếp nhận, thời hạn giải quyết hồ sơ của Sở VHTT cũng như các sở, ngành đối với tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo cũng như xây dựng bảng quảng cáo.

Về thể thức văn bản:

Đánh số trang theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 6/3/2020 của Chính phủ “ Về công tác văn thư”. Thống nhất cỡ chữ đậm ở tất cả các điều trong văn bản (Điều 9, điều 11).

Đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo

Với những ý kiến đóng góp ở trên, Hiệp hội Quảng cáo đã có một số đề xuất, kiến nghị với Sở Văn hóa thể thao cụ thể như sau:

Trong dự thảo có nhiều điểm quy định liên quan đến quy hoạch quảng cáo (Điều 3; khoản 2, điều 9; khoản 8. Điều 10; khoản 8, Điều 16…) Tuy nhiên, đến nay quy hoạch quảng cáo của Thành phố vẫn chưa được công bố công khai, rộng rãi nên việc thực hiện quy chế sẽ gặp khó khăn. VAA đề nghị Thành phố sớm bổ sung, ban hành quy hoạch để đồng bộ với việc triển khai Quy chế bổ sung , sửa đổi.

Trong khi Thành phố Hà Nội chưa ban hành quy chế, quy hoạch, cần cho tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo của các doanh nghiệp một cách bình thường , tránh bị gián đoạn vì phải chờ đợi quy chế , quy hoạch mới.

Những đề xuất trên là góp ý của Hiệp hội Quảng cáo đối với Dự thảo bổ sung, sửa đổi Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/1/2016 của UBND Thành phố Hà Nội. 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích