Đề xuất một số quy định mới về quản lý tài nguyên Internet và tên miền “.vn”

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông về quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet, việc bồi thường khi nhà nước thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet; đấu giá quyền sử dụng mã, số viễn thông, tên miền quốc gia “.vn”.

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông (Nghị định), Bộ TT&TT đã bổ sung và hoàn thiện thêm các quy định về thủ tục thực hiện chuyển nhượng, quyền và nghĩa vụ (bao gồm nghĩa vụ thuế) của các bên liên quan. Theo đó, cá nhân, tổ chức được đề nghị thay đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong các trường hợp cần hoàn tất quá trình tặng, cho, góp vốn, để thừa kế quyền sử dụng. 

Việc quản lý, sử dụng tài nguyên Internet phải bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng quy định và không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, nghiêm chỉnh thực hiện và tôn trọng điều ước, pháp luật quốc tế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên Internet.

Tài nguyên Internet chỉ được đưa vào hoạt động hoặc được tiếp tục duy trì hoạt động sau khi cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên Internet đã thực hiện việc nộp phí và lệ phí theo quy định.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định quy định rõ, việc tặng, cho, góp vốn, để thừa kế quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện theo các quy định của pháp luật về quyền tài sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

 

 Cá nhân, tổ chức được đề nghị thay đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cần hoàn tất quá trình tặng, cho, góp vốn, để thừa kế quyền sử dụng. Ảnh minh họa

Cá nhân, tổ chức được đề nghị thay đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong các trường hợp sau: Đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” để hoàn tất quá trình tặng, cho, góp vốn, để thừa kế quyền sử dụng; cá nhân, tổ chức đổi tên theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc thay đổi chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn tới có sự thay đổi về quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”;

Tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hoặc có hoạt động mua bán doanh nghiệp, góp vốn, cổ phần giữa các doanh nghiệp hoặc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ giữa công ty mẹ, công ty con dẫn tới sự thay đổi về quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.

Về quy định và thủ tục bồi thường khi thu hồi tài nguyên Internet, dự thảo nêu, nhà nước bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi tài nguyên Internet Việt Nam quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật Viễn thông.

Mức bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi tài nguyên Internet Việt Nam theo quy định sau đây: Đối với tài nguyên Internet Việt Nam được phân bổ trực tiếp, cấp trực tiếp, mức bồi thường của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi tài nguyên Internet Việt Nam theo quy định tại các điểm a, điểm b khoản 2 Điều 53 Luật Viễn thông được xác định bằng số tiền phí duy trì còn lại tính từ thời điểm thu hồi.

Đối với tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được cấp theo phương thức đấu giá quyền sử dụng, mức bồi thường của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi tên miền theo quy định tại các điểm a, điểm b khoản 2 Điều 53 Luật Viễn thông được xác định bằng số tiền trúng đấu giá.

Đối với việc bồi thường khi thu hồi tài nguyên Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thông báo bằng các hình thức trực tiếp, phương tiện thông tin đại chúng, tin nhắn, website để cho tổ chức, cá nhân biết trước thời điểm thu hồi ít nhất 3 tháng.

Sau khi ban hành Quyết định thu hồi tài nguyên Internet Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi tài nguyên Internet Việt Nam. Ngân sách nhà nước chi trả cho việc bồi thường này.

Thu hồi mã, số viễn thông trong các trường hợp nào?

Đối với quy định về thu hồi mã, số viễn thông, theo dự thảo, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị bị thu hồi mã, số viễn thông trong các trường hợp sau: Mã, số viễn thông bị thu hồi quy định tại điểm a, b, c khoản 2 điều 53 Luật Viễn thông;

Mã, số viễn thông sử dụng gắn với Giấy phép viễn thông bị thu hồi theo quy định tại Điều 40 Luật Viễn thông; hoặc bị xử phạt theo quy định của pháp luật mà tại quyết định xử phạt đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi giấy phép viễn thông (nếu giấy phép viễn thông gắn với việc sử dụng mã, số viễn thông);

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị xử phạt theo quy định của pháp luật mà tại quyết định xử phạt đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi mã, số viễn thông hoặc hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật và phương tiện có gắn với việc sử dụng mã, số viễn thông;

Về thủ tục thu hồi mã, số viễn thông: Trước thời hạn 05 tháng kể từ ngày hết hạn nộp tiền quy định tại pháp luật về phí và lệ phí theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản thông báo tới cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi mã, số viễn thông do không nộp phí sử dụng mã, số viễn thông hoặc theo quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với mã, số viễn thông bị thu hồi theo quy định tại điểm a, b khoản 2 điều 53 Luật Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo bằng các hình thức trực tiếp, phương tiện thông tin đại chúng, tin nhắn, Website để cho tổ chức, cá nhân biết trước thời điểm thu hồi ít nhất 3 tháng.

Sau thời hạn 1 tháng kể từ ngày thông báo việc thu hồi mã, số viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định thu hồi theo mẫu số 9 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Kể từ ngày quyết định thu hồi mã, số viễn thông có hiệu lực, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải chấm dứt việc khai thác, sử dụng mã, số bị thu hồi và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích