​​​​​​​Đề xuất mới về xác nhận tình trạng án tích khi không có thông tin

Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP, với nhiều sửa đổi quan trọng.

Lý lịch tư pháp thường được yêu cầu cung cấp để phục vụ cho công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Để thực hiện quy định về việc điện tử hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Dự thảo đã bổ sung quy định về mẫu Phiếu LLTP điện tử, hồ sơ cấp Phiếu LLTP điện tử; thời hạn lưu trữ hồ sơ cấp Phiếu LLTP bằng giấy và hồ sơ điện tử; bổ sung dữ liệu LLTP điện tử bao gồm cả thông tin LLTP được trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, xử lý và lưu trữ dưới dạng điện tử.

Theo Dự thảo, Phiếu LLTP điện tử có giá trị sử dụng như Phiếu LLTP bằng giấy và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, hướng dẫn về mẫu Phiếu LLTP điện tử.

​​​​​​​Đề xuất mới về xác nhận tình trạng án tích khi không có thông tin
Người dân làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội.

Đáng quan tâm, với trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định của bản án, đã đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi theo hướng Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Quốc phòng… là cơ quan phối hợp tra cứu, xác minh với Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp về việc người đó có hành vi phạm tội mới hay không.

Trên cơ sở kết quả tra cứu, xác minh thông tin, Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp cập nhật vào LLTP của người bị kết án “đã được xóa án tích” hoặc “có án tích” theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đồng thời, đảm bảo độ chính xác khi cấp Phiếu LLTP cũng như giảm thời gian cấp Phiếu LLTP, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính hiện nay, dự thảo Nghị định đã sửa đổi Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP về quy trình, trách nhiệm tra cứu, xác minh thông tin LLTP theo hướng Sở Tư pháp gửi hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP dưới dạng điện tử tới ba cơ quan: Trung tâm LLTP quốc gia, cơ quan hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh để tra cứu, xác minh thông tin. Trung tâm LLTP quốc gia có nhiệm vụ tổng hợp với thông tin tra cứu trong Cơ sở dữ liệu LLTP để trả kết quả cho Sở Tư pháp.

Để đảm bảo lợi ích của người dân, phù hợp với nguyên tắc có lợi cho đương sự, đồng thời nhằm đưa ra nguyên tắc giúp cho Sở Tư pháp xác định được tình trạng án tích trong trường hợp kết quả tra cứu, xác minh tại các cơ quan có liên quan là không có thông tin, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về việc cấp Phiếu LLTP và Sở Tư pháp xác nhận tình trạng án tích cho người được cấp Phiếu LLTP trên cơ sở thông tin đã có và nội dung cam kết của người được cấp Phiếu LLTP.

Theo Tờ trình của Bộ Tư pháp, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, quy định về xác nhận tình trạng án tích trong trường hợp quá thời hạn tra cứu, xác minh thông tin LLTP, có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, với trường hợp đã quá thời hạn tra cứu, xác minh thông tin tại các cơ quan có liên quan nhưng không có thông tin thì Sở Tư pháp căn cứ thông tin tại Cơ sở dữ liệu LLTP, các thông tin có liên quan theo quy định của pháp luật và nội dung cam kết của người được cấp Phiếu LLTP tại Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP để xác nhận tình trạng án tích cho người được cấp Phiếu LLTP.

“Thực tiễn trong thời gian vừa qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã có hướng dẫn cho Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu LLTP đối với các trường hợp nêu trên mà không có sai sót hoặc khiếu nại nào liên quan đến việc xác nhận tình trạng án tích”, Tờ trình của Bộ Tư pháp cho biết.

Còn quan điểm thứ hai cho rằng, với trường hợp đã quá thời hạn tra cứu, xác minh thông tin tại các cơ quan có liên quan nhưng không có thông tin thì Sở Tư pháp không cấp Phiếu LLTP. Theo quan điểm này, Phiếu LLTP có nội dung liên quan đến bí mật đời tư của người yêu cầu cấp Phiếu LLTP, là căn cứ để chứng minh cá nhân có hay không có án tích khi tham gia các quan hệ dân sự, việc cấp Phiếu LLTP cần phải chính xác để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trường hợp quá thời hạn nhưng không có thông tin, cơ quan quản lý‎ LLTP không có căn cứ để cấp Phiếu LLTP. Vì vậy, đối với trường hợp này, không thực hiện cấp Phiếu LLTP cho công dân.

Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích