Đề xuất mới về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, nhằm thể chế hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế TNDN, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững; rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế cho phù hợp nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực xã hội hóa, KHCN, môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đầu tư tại các vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện qua đó phát huy vai trò, hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN trong thúc đẩy đầu tư và phát triển KT-XH, đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi thuế TNDN như sau:
Nguyên tắc áp dụng ưu đãi và các nội dung liên quan khác
Dự thảo quy định cụ thể các nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN căn cứ theo ngành, nghề ưu đãi, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật này và quy định trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế TNDN khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của Luật này, qua đó, đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật, tránh việc quy định ưu đãi dàn trải tại các văn bản Luật chuyên ngành khác.
Quy định rõ và chi tiết hơn đối tượng ưu đãi thuế TNDN (ngành, nghề, địa bàn và các hoạt động được ưu đãi) trên cơ sở cơ bản kế thừa lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn và hoạt động được ưu đãi thuế theo quy định hiện hành, bao gồm cả những nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới Luật nhưng có rà soát, sắp xếp, hợp lý hóa để tránh trùng lắp, đảm bảo phát huy hiệu quả, tính khả thi, minh bạch trong thực hiện, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển, góp phần mở rộng cơ sở thuế, cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững. Cụ thể:
+ Lược bỏ các ngành, nghề ưu đãi đối với: phát triển công nghệ sinh học, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, phát triển ngành nghề truyền thống, dự án sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, dự án đầu tư tại khu công nghiệp, dự án đầu tư tại khu công nghệ cao nhưng không phải là dự án trong lĩnh vực công nghệ cao; điều chỉnh mức ưu đãi đối với dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn để đảm bảo chính sách ưu đãi thuế có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH nói chung, cải cách hệ thống chính sách thuế nói riêng.
+ Bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đã được quy định cụ thể chính sách ưu đãi thuế TNDN (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tại Luật Đầu tư năm 2020 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm: Dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV.
+ Bổ sung hoạt động báo chí khác vào đối tượng được áp dụng ưu đãi thuế TNDN (ngoài hoạt động báo in đã được hưởng ưu đãi như hiện nay).
+ Bổ sung quy định địa bàn ưu đãi thuế TNDN do Chính phủ quy định, bao gồm: Địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn; Khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập).
Dự thảo cũng bổ sung quy định đối với trường hợp khoản thu nhập của doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi thuế khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng theo điều kiện có lợi nhất và thực hiện ổn định trong toàn bộ thời gian hưởng ưu đãi.
Bổ sung quy định thu nhập được ưu đãi thuế trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp tại Luật này bao gồm cả thu nhập từ thanh lý tài sản dự án là sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và thu nhập từ việc bán phế liệu, phế phẩm là sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp vào dự thảo Luật để luật hóa quy định đã được thực hiện ổn định, không vướng mắc tại văn bản dưới Luật.
Mức thuế suất ưu đãi và thời gian áp dụng ưu đãi
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định việc áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Đồng thời, giao Chính phủ việc xác định ưu đãi thuế cho trường hợp vị trí thực hiện dự án nằm trên cả địa bàn được áp dụng ưu đãi thuế TNDN và địa bàn không thuộc địa bàn ưu đãi thuế để đáp ứng các yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.
Bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức 10% như quy định hiện hành.
Bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất ưu đãi 17% trong 10 năm đối với: dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất ưu đãi cho các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi đối với một số trường hợp cho phù hợp với thực tiễn, bao gồm doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để khắc phục các bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện Luật thuế TNDN trong giai đoạn vừa qua.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Báo Chính phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu