Đề xuất lập quy hoạch đô thị sân bay tại Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh

Huyện Cam Lâm có vị trí nằm giữa TP. Cam Ranh và TP. Nha Trang, có bờ biển dài 13km.

Nhiều tiềm năng, động lực phát triển

Với vị trí là đô thị nằm giữa, Cam Lâm có vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi các đô thị gồm: Nha Trang, Diên Khánh và Cam Ranh, tạo thành cấu trúc đô thị đa dạng, với mỗi đô thị mang tính đặc thù riêng, bổ trợ lẫn nhau, tạo thế mạnh phát triển kinh tế – xã hội; làm cơ sở hình thành hệ thống đô thị khung cho đô thị Khánh Hòa trong tương lai, đảm bảo sự liên kết, đồng bộ, khai thác hiệu quả hạ tầng vùng, liên thành phố. Khu vực này thuộc vùng phát triển đô thị sân bay, trung tâm tài chính, du lịch sinh thái, công nghiệp của vùng và của tỉnh.

Cam Lâm được định hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế”.

Cam Lâm còn có địa hình đa dạng, có cả đồi núi, đồng bằng, đầm, bãi cát ven biển và biển khơi. Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc vào Nam, gồm 3 địa hình chính là: Núi cao, núi thấp, đồng bằng và đồi thoải, thuận lợi cho phát triển đô thị và du lịch. Bên cạnh đó, địa phương có các tuyến đường giao thông quốc gia huyết mạch đi qua, đặc biệt là gần Sân bay quốc tế Cam Ranh và Cảng Cam Ranh. Huyện Cam Lâm còn có Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài) đang hoạt động và tiếp tục phát triển cao với 41 dự án du lịch, resort nổi tiếng, thu hút lượng lớn du khách quốc tế. Cam Lâm có vị trí là đầu mối giao thông của khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên, gần đường hàng hải quốc tế, có hệ thống cảng biển gắn với đầu nút giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường hàng không quốc gia…

Một góc khu du lịch Bãi Dài thuộc huyện Cam Lâm. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Một góc huyện Cam Lâm với đầm Thủy Triều giàu tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, huyện Cam Lâm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, núi Hòn Bà với độ cao hơn 1.500m, khí hậu mát mẻ, lưu giữ nhiều loại cây quý hiếm, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, leo núi thể thao. Ngoài ra, trong 13km bờ biển thì có đến 10km thuộc Bãi Dài, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Về phát triển công nghiệp, huyện có Khu Công nghiệp Suối Dầu với 41 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 18 doanh nghiệp nước ngoài.

Với tiềm năng nêu trên, huyện Cam Lâm có đầy đủ cơ sở để phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp dịch vụ, du lịch sinh thái, là khu vực có chức năng kết nối các đô thị của tỉnh Khánh Hòa.

Hệ thống đô thị ven biển mang tầm quốc tế

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết việc lập quy hoạch chung đô thị mới huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh là phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của địa phương. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu liên kết không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh, để tạo thành hệ thống đô thị ven biển hiện đại, mang tầm quốc tế; thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đến với Khánh Hòa. Việc lập quy hoạch cũng phù hợp với định hướng phát triển tỉnh Khánh Hòa theo kết luận số 53-TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị và xu hướng phát triển đô thị thế giới, mang lại hiệu quả về phát triển kinh tế – xã hội cao cho tỉnh Khánh Hòa.

Sân bay quốc tế Cam Ranh ngay sát Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài) rất thuận lợi kết nối các đường bay quốc tế.
Núi Hòn Bà (huyện Cam Lâm) với độ cao hơn 1.500m, khí hậu mát mẻ, lưu giữ nhiều loại cây quý hiếm, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, leo núi thể thao.

Để phát huy hiệu quả tiềm năng và phát triển huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, Cảng Cam Ranh và Sân bay quốc tế Cam Ranh trong tương lai, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm. Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm theo hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế”. Đồng thời, ngày 30/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 208 đồng ý chủ trương lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và nghiên cứu một phần TP. Cam Ranh. Do đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất phát triển một đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của TP. Cam Ranh có quy mô dân số tương đương đô thị loại I, làm cơ sở phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư; đồng thời đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở quan điểm “công tác quy hoạch phải đi trước một bước” được nêu tại Nghị quyết số 119 ngày 27/9/2021 của Chính phủ và các quy định pháp luật về quy hoạch, UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo và kính trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh, bao gồm các xã, phường, thị trấn: Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Thành Bắc, Cam An Bắc, Cam An Nam, Suối Tân, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Đức, Cam Nghĩa, Cam Thành Nam. Mục tiêu phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, quy mô dân số tương đương với đô thị loại I.

Để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, UBND tỉnh Khánh Hòa trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao cho UBND tỉnh được tổ chức lập Nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch chung đô thị mới nêu trên, gửi Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích