Đề xuất làm cao tốc Nha Trang – Đà Lạt trước 2030

(Xây dựng) – Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan xem xét kiến nghị về đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang – Đà Lạt trước năm 2030 theo phương thức PPP.

Đề xuất làm cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trước 2030
Đèo Khánh Lê nối Nha Trang – Đà Lạt có địa hình quanh co, hiểm trở, hay xảy ra sạt lở khi có mưa lớn kéo dài, gây cản trở lưu thông.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; UBND 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) – Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch Đầu tư, các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng về dự án trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2024.

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa cùng Lâm Đồng đã thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt trước năm 2030, trong đó ưu tiên bổ sung dự án vào danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 theo phương thức PPP có sự tham gia vốn của Nhà nước để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, cao tốc Nha Trang – Đà Lạt dài gần 81km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100km/giờ. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa khoảng 44km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 36,8km.

Dự kiến, cao tốc Nha Trang-Đà Lạt có điểm đầu giao với cao tốc Bắc – Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc Phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án được đề xuất đầu tư một lần theo quy mô quy hoạch với 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 22-24,75m. Tổng mức đầu tư dự án gần 30.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024-2028, trong đó giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026-2028.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc đầu tư xây dựng cao tốc Nha Trang -Đà Lạt nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ. Kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư và kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Qua đó, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Cao tốc Nha Trang – Đà Lạt còn góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của hai địa phương.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích