Đề xuất kết thúc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Bộ LĐTBXH đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo đề xuất phương án xử lý kinh phí còn lại của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Báo cáo của 60 tỉnh, thành phố (3 tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng) đã hoàn thành chi trả hỗ trợ cho 5.194.162 lượt lao động với 3.759.791.500 nghìn đồng. Trong đó, đã thực hiện giải ngân: Hỗ trợ người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp hơn 3.219,9 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động hơn 539,8 tỷ đồng.

Đề xuất kết thúc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Khu nhà trọ của công nhân. Ảnh minh họa

So với kinh phí dự kiến 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để thực hiện chính sách thì sẽ còn dư khoảng 2.800 tỷ đồng. Bộ LĐTBXH báo cáo về phương án xử lý số kinh phí còn lại của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, như sau:

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ nhân lực cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; không xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Chính sách đã hỗ trợ được cho người lao động đang làm việc, đặc biệt người lao động mới được tuyển dụng có khó khăn về nhà ở.

Thị trường lao động cơ bản ổn định, đang vận hành và phát triển theo quy luật. Theo báo cáo của các địa phương, mặc dù một số ngành (may mặc, giày da, chế biến gỗ,…) vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nguồn cung nguyên liệu, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động. Nhưng hiện tượng này chỉ mang tính cục bộ; trong khi đó nhu cầu tuyển lao động vẫn lớn ở những ngành, nghề khác, các địa phương đã và đang thực hiện kết nối, điều tiết cung – cầu lao động nên thị trường lao động tương đối ổn định, phục hồi tích cực, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các quy định pháp luật về hỗ trợ việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội đang được tổ chức thực hiện ổn định thì Nhà nước cũng đã bố trí nguồn lực lớn để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng điểm về giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững…

Vì những lý do trên, Bộ LĐTBXH đề xuất kết thúc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; số kinh phí còn dư, Bộ LĐTBXH đề nghị chuyển lại ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác của Nhà nước.

Bộ LĐTBXH đề nghị giao Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 đã được Quốc hội cho phép sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 sang năm 2023 để tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hết năm 2023, sau khi quyết toán, số kinh phí còn dư nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ Tài chính tổng hợp phương án tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 trình cấp có thẩm quyền quyết định.

P.Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích